Những điều tuyệt đối tránh khi tắm ngày lạnh
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, ngày lạnh “lười chút sẽ an toàn hơn”. Tuy nhiên, đối với nhiều người, tắm gội hàng ngày là thói quen khó bỏ. Vì vậy nếu tắm gội trong ngày trời lạnh, bạn nên đặc biệt lưu ý những cấm kỵ sau:
Không tắm ngay sau khi ăn no: Khi tắm gội, cơ thể bạn phải gồng lên để chống chọi với giá lạnh, nước lạnh nên dễ mắc bệnh đường tiêu hóa, dạ dày.
Không tắm ngay sau khi uống rượu bia: Chất có cồn sẽ gây co huyết quản, dễ bị cảm lạnh, có thể vỡ mạch máu... Đã có nhiều người bị đột quỵ vì tắm sau khi uống rượu bia khiến huyết áp tăng, nguy hiểm tới tính mạng.
Không tắm đêm: Ban đêm nhiệt độ xuống thấp nhất, tuần hoàn kém hơn nên tắm đêm rất dễ bị nhiễm lạnh, gây thiếu máu não nghiêm trọng, bất tỉnh, hôn mê. Đặc biệt nguy hiểm là bị cảm (nhất là khi đã có men cồn, chất kích thích) vì khả năng tử vong rất cao.
Không nên dội nước thẳng từ đầu xuống: Dù tắm nước nóng cũng không dội nước thẳng từ đầu xuống chân để tránh bị đột quỵ. Hãy xối nước vào hai chân, hai tay rồi mới đến toàn bộ cơ thể.
Không tắm nước quá nóng vì dễ làm da bị kích ứng, khô da và không tốt cho hệ tim mạch.
Không nên tắm xà phòng khi cơ thể mệt mỏi, vì xà phòng chứa kiềm mạnh ngấm vào da sẽ mệt mỏi hơn.
Không tắm khi cơ thể mệt mỏi vì dễ bị cảm lạnh, xây xẩm mặt mũi, thậm chí tử vong.
Theo TS. Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, để tránh hiện tượng choáng váng sau tắm, cần làm quen với nước từ từ bằng cách để vùng chân, tay tiếp xúc với nước trước rồi mới đến toàn thân, tránh hiện tượng bị lạnh đột ngột.
Nhiệt độ nước lý tưởng để tắm là bằng nhiệt độ cơ thể (37 độ C), không quá nóng, quá lạnh và cần tắm ở nơi kín gió. Ngoài ra, mọi người nên vận động nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể trước khi tắm. Sau khi ngâm mình trong nước nóng, cần đứng dậy một cách từ từ.
Trường hợp bị choáng váng sau tắm, cần nằm nghỉ ngơi, nằm đầu thấp giúp máu phân bố lại tốt hơn và hiện tượng choáng váng sẽ hết sau một khoảng thời gian ngắn.
Quy trình tắm an toàn
- Rửa mặt, tắm toàn thân và gội đầu.
- Hãy dội nước ấm vào bàn chân trước để cơ thể thích nghi nhanh với nhiệt độ môi trường.
- Tắm dưới vòi nước nóng, để nước chảy phía sau khi kỳ cọ, làm sạch phía trước và ngược lại.
Hoặc cầm vòi hoa sen (không treo) và đưa khắp cơ thể ở khoảng cách 10cm để massage da rất tốt. Hoặc dùng bông tắm để massage da. Hoặc dùng khăn mềm kỳ cọ da. Chú ý kỳ cọ da vùng lưng.
- Không nên gội đầu xong mới tắm vì các mạch máu trên đầu khó lưu thông, chênh lệnh nhiệt độ đột ngột sẽ gây choáng váng.
- Tắm xong nên dùng khăn tắm to mềm mại để lau người cho nhanh khô và tránh tổn thương da. Mùa đông nên chọn loại sữa tắm giàu chất dưỡng ẩm giúp da giữ ẩm.
- Sau khi tắm cần lau khô người và sấy tóc ngay để tránh cơ thể nhiễm lạnh.
- Bước ra khỏi phòng tắm cần mặc đủ ấm để tránh bị cảm vì chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng tắm. Không ra gió ngay khi vừa tắm xong. Cũng không nên ra đường ngay vì dễ bị cảm. Nếu buộc phải ra cần mặc đủ ấm, đeo khẩu trang bảo vệ mũi họng.
Thời gian tắm nên trong khoảng 10-15 phút/ lần. Việc tắm quá lâu sẽ gây ra những tác hại như làm da bị khô và mất nước. Nguy hiểm hơn là làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức dễ gây ra cảm lạnh, ảnh hưởng tới các mạch máu, huyết áp, dễ dẫn tới ngất xỉu.
Khi tắm trời lạnh, không nên khóa cửa phòng tắm để người thân dễ dàng ứng cứu nếu có chuyện xảy ra.
Chú ý thông gió phòng tắm, tránh để hơi nước nóng bốc lên quá nhiều gây thiếu ôxy.