Tuyển dụng theo năng lực
Trao đổi về vấn đề tuyển dụng nhân lực trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tân - Tổng Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị tại Hà Nội cho biết, công ty coi trọng các tiêu chí về kinh nghiệm chuyên môn thực tế, khả năng thích nghi, khả năng tự học hỏi và khả năng làm việc.
Bằng cấp không có ảnh hưởng đến cuộc phỏng vấn và kiểm tra thực hành kỹ năng. Đặc biệt đối với nhân sự kỹ thuật, công ty không mặn mà với các ứng viên có bằng đại học, bởi các ứng viên này thường có tâm lý quá tự tin vào trình độ của mình, trong khi thực tế khi thử việc rất ít ứng viên có thể đạt được yêu cầu từ phía công ty. Rất ít các ứng viên đủ kiên trì theo đuổi công việc mà chỉ coi đây là chỗ “trú chân” tạm thời, trong khi tâm trí vẫn tìm kiếm một công việc khác.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tân, các sinh viên mới ra trường nghĩa là họ bắt đầu con đường khởi nghiệp và hầu như ai cũng đều phải bắt đầu từ những vị trí làm việc thấp, qua thời gian làm việc, tích lũy kinh nghiệm để vươn dần lên cao. Không thể có chuyện sinh viên ngay sau tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp săn đón, chào mời vào những vị trí làm việc quan trọng có khả năng thu nhập cao.
Cách tuyển dụng nhân sự theo năng lực thực tế như trên đã trở thành phổ biến của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Ngoài trình độ chuyên môn một số doanh nghiệp còn yêu cầu ứng viên về khả năng ngoại ngữ.
Vì vậy, theo các chuyên gia, mặc dù không phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mang lại từ môi trường giáo dục đại học, nhưng chắc chắn đó không phải là con đường phù hợp cho tất cả. Thay vì cố sức vào cuộc chạy đua “đại học”, các bạn trẻ nên xác định rõ đam mê, sở thích và chọn trường vừa sức, phù hợp khả năng, có điều kiện đào tạo tốt chuyên ngành mình lựa chọn.
Cơ hội cho lao động kỹ thuật
Học nghề đang là một xu hướng được khuyến khích tại các nước có nền giáo dục phát triển như Anh, Úc, Singapore… Ở Việt Nam, các doanh nghiệp cũng ngày càng đánh giá cao và sẵn sàng tiếp nhận lao động tốt nghiệp trường nghề. Theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH), tỷ lệ học viên có việc làm các hệ trung cấp, cao đẳng nghề luôn đạt 75%, có ngành đạt 90%.
Tại một cuộc hội thảo về dạy nghề gần đây, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Hiện cơ cấu lao động ở Việt Nam chưa hợp lý, lao động không có chuyên môn nghiệp vụ làm việc trong các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 59%), trong khi số có trình độ đại học chỉ khoảng 8%.
Thực hiện chiến lược dạy nghề 2011 - 2020, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy quy mô học nghề tăng lên. Trong 5 năm (2011 - 2015), cả hệ thống dạy nghề đào tạo 9,2 triệu người; tuy nhiên số học nghề trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm 12%, số còn lại là đào tạo ngắn hạn. Đây thực sự là thách thức cho đào tạo nghề ở Việt Nam, vì đào tạo ngắn hạn chỉ mang tính hỗ trợ.
Nhóm lao động chất lượng cao, lao động kỹ thuật đang rất khan hiếm. Tuy nhiên, thực trạng này lại đang mở ra rất nhiều cơ hội cho sinh viên các ngành kỹ thuật so với một số ngành khác.
Để tăng tính kết nối hơn cho sinh viên với doanh nghiệp, ý kiến chuyên gia cho rằng, các cơ sở dạy nghề phải gia tăng giá trị cho sinh viên bằng nhiều giải pháp. Cụ thể là cập nhật đào tạo sinh viên bằng các chương trình mới, tăng khả năng thực hành trong quá trình đào tạo. Bản thân các sinh viên, lao động trẻ cũng cần chủ động học nghề theo nhu cầu xã hội.