Trong số những tấm gương phụ nữ khởi nghiệp vươn lên làm giàu trên khắp mọi miền đất nước, có những tấm gương phụ nữ nông thôn đã vươn lên làm giàu chính đáng bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó. Nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương bằng việc lan tỏa, lôi cuốn được nhiều người cùng mình tham gia làm giàu.
Một trong những tấm gương điển hình là chị Lê Thị Kim Thoa, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Khởi nghiệp chỉ từ việc chế biến sản vật của quê hương, chị Lê Thị Kim Thoa đã bước đầu thành công và làm giàu từ mô hình sản xuất mặt hàng tôm khô. Thành công của chị đã được Hội Liên Hiệp phụ nữ Kiên Giang tặng giấy biểu dương “Gương phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2019”.
Được biết, gia đình chị Thoa sống chủ yếu bằng nghề nông. Trước đây, chị Thoa chỉ ở nhà làm nội trợ, không có nguồn thu nhập gì thêm, do đó khi hai con của gia đình chị bước sang tuổi ăn học, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Không cam chịu cuộc sống đói nghèo, cùng với bản tính cần cù, chịu khó và quyết tâm thoát nghèo, chị Thoa luôn trăn trở, tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, vừa tạo điều kiện cho các con ăn học bằng chúng bạn.
Với suy nghĩ đó, chị Lê Thị Kim Thoa đã bàn với chồng mang số tiền ít ỏi chị dành dụm tích cóp được bấy lâu, mạnh dạn chọn con tôm vùng quê nghèo để làm nền khởi nghiệp. Học hỏi được kiến thức từ những người quen, hai vợ chồng đã quyết định mở lò sấy tôm khô.
Bước đầu khởi nghiệp, chị Lê Thị Kim Thoa đã tận dụng được lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, hoạt động sản xuất chế biến của gia đình chị Thoa lại góp phần tiêu thụ sản phẩm thủy sản của địa phương, do đó giá thành sản phẩm rẻ hơn. Nguồn nguyên liệu tôm đưa vào chế biến chủ yếu được nuôi thiên nhiên, do đó chất lượng mặt hàng được đảm bảo.
Khi bắt đầu bắt tay vào khởi nghiệp, khó khăn nhất đối với chị Thoa là đầu ra của sản phẩm. Mặt khác, quy trình sấy tôm khô cũng không đơn giản, bởi phải đảm bảo nhiệt độ để tôm khô đều, không đọng hơi nước, khi tách không bám vỏ; nhất là qua quá trình sấy, tôm không có mùi hôi khói, thơm tự nhiên và phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua nhiều lần thử nghiệm, chị Lê Thị Kim Thoa đã có một công thức luộc tôm và quy trình phơi, sấy riêng để con tôm khô vừa đẹp mắt, vừa chuẩn vị. Từ mô hình và cách làm này, mỗi ngày gia đình chị thu mua từ 300 đến 500kg tôm tươi để chế biến mặt hàng tôm khô. Điều khác biệt của cơ sở sản xuất của chị Lê Thị Kim Thoa là dù sử dụng nguồn nguyên liệu thu mua ngay tại địa phương, nhưng cơ sở của chị vẫn mua với giá cao hơn thương lái từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg nên nguồn nguyên liệu luôn được đảm bảo.
Thành công bước đầu, chị Thoa không chỉ dừng lại ở đó. Nghĩ tới những chị em phụ nữ cùng cảnh ngộ, chị đã vận động một số hộ sản xuất khác cùng tham gia thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát. Tháng 10/2019, Tổ hợp tác được thành lập, với 8 thành viên.
Sau khi thành lập, hợp tác xã tác đã tạo điều kiện gắn kết, giúp các tổ viên cung cấp chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và tương trợ giúp đỡ về vật chất, tinh thần, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất tôm khô. Với vai trò là Giám đốc hợp tác xã, chị Thoa luôn trăn trở làm sao để giúp cho chị em hội viên phụ nữ cùng nhau phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống; tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định.
Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, chăm lo gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, chị còn tích cực tham gia công tác xã hội.
Là một chi hội trưởng phữ nữ ấp tiêu biểu, năng nổ, nhiệt huyết chị đã tích cực phối hợp với các đoàn thể của ấp tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề công tác Hội đến hội viên. Đặc biệt là các chương trình, dự án, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
Phong trào khởi nghiệp không dễ, càng khó khăn hơn nhiều đối với phụ nữ nông thôn vì trình độ, điều kiện tiếp cận thông tin ít; định kiến “tề gia nội trợ” vẫn còn... Do đó với phụ nữ việc khởi nghiệp thành công còn khó hơn rất nhiều.
Nhưng chị Lê Thị Kim Thoa đã thực hiện được điều đó, bởi nghị lực muốn vươn lên thoát nghèo cùng với niềm đam mê, sự mạnh dạn, tự tin và khẳng định chính mình. Với phong trào khởi nghiệp, sẽ có nhiều gương phụ nữ vùng quê Vĩnh Thuận mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm và khởi nghiệp thành công, góp phần xây dựng vùng quê Vĩnh Thuận ngày càng phát triển.
“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.