Tâm bệnh và giả dược

GD&TĐ - Có những bệnh không xuất phát từ tổn thương của bộ phận cơ quan nào trong cơ thể con người, mà xuất phát từ... tâm, gọi là tâm bệnh.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Đây là trường hợp bệnh lý do sự tưởng tượng mà ra. Và phương pháp để chữa bệnh, có khi không phải là thuốc mà là một sản phẩm giả... thuốc. Chuyên môn gọi là giả dược hay Placebo.

Trường hợp bệnh tưởng

Có những người thật sự đang mắc một bệnh nào đó, nhưng họ lại không nghĩ hoặc cố gắng chẳng nghĩ là mình đang mắc căn bệnh đó, thậm chí là che dấu mọi người về căn bệnh đang diễn ra từng ngày ở bản thân.

Tuy nhiên, cũng có những người gần như hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng họ lại không “chấp nhận” sự khỏe mạnh này, mà luôn nghĩ rằng mình đang mắc một hay nhiều bệnh nào đó, cần phải tìm đúng thầy đúng thuốc để chữa mới mong hết được.

Thế là họ bắt đầu cuộc hành trình thăm khám và thực hiện các xét nghiệm có liên quan từ hết từ hết phòng mạch bác sĩ này đến bác sĩ nọ, từ hết bệnh viện gần đến bệnh viện xa.

Chê bệnh viện công rẻ tiền, thiếu chính xác, họ tìm đến bệnh viện tư mang thương hiệu quốc tế, trả cả khối tiền để được chẩn đoán và điều trị. Nhưng rốt cuộc, “miêu vẫn hoàn miêu”. Những người ấy không mang trong mình thực bệnh, mà đang mang tâm bệnh.

Đó là những người mắc bệnh tưởng. Danh pháp quốc tế của căn bệnh này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là Hypochondria. Trong bảng phân loại quốc tế về bệnh, nó được xếp vào mục mang mã số F45.2.

Người mắc bệnh tưởng là người bị ám ảnh với ý tưởng là họ đang hay sẽ bị bệnh nặng. Ý tưởng này dai dẳng mặc dù người bệnh được trấn an bởi các bác sĩ và mặc dù đã làm rất nhiều xét nghiệm đầy tốn kém cho kết quả âm tính.

Cảm giác này phải kéo dài hơn 6 tháng để được định bệnh, trong thời gian đó bệnh không tiến triển và phải gây ra phiền lụy đáng kể và gây khó khăn cho đời sống.

Trong thực tế, có những người chỉ mới thấy hơi khó chịu một chút ở vùng ngực đã vội tự “ám” mình đang mắc bệnh nhồi máu cơ tim hoặc chắc chắn sẽ xảy ra nhồi máu cơ tim.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ… chết! Họ mất ăn mất ngủ vì sự lo lắng, bỏ công việc làm hoặc những sinh hoạt khác để đi khám bệnh. Có trường hợp, bác sĩ chưa kịp hỏi bệnh họ đã đòi cho đo điện tim (ECG). Nếu kết quả đo điện tim trả lời bình thường thì họ tỏ ra mất tin tưởng và tìm nơi khác để khám cho chính xác hơn.

Điều đó có thể lặp đi lặp lại rất nhiều lần, khiến cho người thân, bạn bè cảm thấy có một điều gì đó... “hơi bị lạ” và thậm chí phát… chán, cho đến khi họ gặp người biết cách giúp họ vượt qua thác ghềnh của cơn mộng mị vì bệnh tưởng. Người đó chính là bác sĩ chuyên về lĩnh vực Tâm thần kinh.

Có căn nguyên sâu xa từ bệnh tâm thần nên sự suy nghĩ về bệnh tật của người bệnh tưởng là sự hoang tưởng. Đó chính là ý tưởng hay sự phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế, thậm chí là ngớ ngẩn đến nực cười đối với những người bình thường xung quanh.

Dù thu nhận được phản ứng gì thì người bệnh tưởng vẫn mặc kệ. Bệnh nhân vẫn cho ý tưởng, sự phán đoán của họ là chính xác. Mọi người, kể cả bác sĩ cũng không có cách gì “tẩy” được suy nghĩ của họ. Sự hoang tưởng chỉ “rời bỏ” người bệnh khi tình trạng được cải thiện tốt hoặc lành bệnh nhờ việc điều trị tích cực và nhất là sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý.

Một số trường hợp hoang tưởng lại biến mất một cách tự phát. Đây quả thật là một điều may mắn không ngờ. Cũng có các trường hợp hoang tưởng “tan rã” trong bối cảnh trí tuệ sa sút nghiêm trọng, để lại những dư âm buồn về một con người, một phận đời...

Quá trình hình thành sự hoang tưởng rất phức tạp. Nó có “dây dưa rễ má” lằng nhằng với các bệnh tâm thần kinh khác. Khi sự hoang tưởng kéo dài, sẽ làm biến đổi sâu sắc nhân cách của người bệnh, gây ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động tâm thần khác. Hoang tưởng có thể gặp ở các bệnh như rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt, loạn thần cấp tính…

Các nhà chuyên môn về lĩnh vực Tâm thần học cho rằng, hoang tưởng không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện của sự rối loạn về nội dung tư duy của lĩnh vực Tâm thần học.

Xuất phát từ sự lo lắng và chờ đợi ban đầu về một điều gì đó rất quan trọng, thậm chí là nghiêm trọng sẽ xuất hiện và tác động đến bản thân của mình. Người bệnh thấy, hiểu người khác và các mối quan hệ xung quanh có một điều gì đó bất thường liên quan đến số phận của mình, nhưng không tài nào tự giải thích nổi.

Theo thời gian, người bệnh tìm thấy câu trả lời theo sự suy đoán riêng. Từ đó, sự hoang tưởng hình thành và ngày càng được củng cố.

Có trường hợp, một phụ nữ có biểu hiện mang thai, nhưng đi siêu âm thì bụng lại… trống. Thậm chí, có người mang bụng chửa vượt mặt cho đến ngày chuyển dạ lâm bồn. Nhưng đành… trắng tay ra về, vì chín tháng mười ngày qua tất cả chỉ là… bệnh tưởng!

Khi phát hiện một người có những biểu hiện “không bình thường” với sự suy nghĩ “hơi có vấn đề” như phân tích ở trên. Tốt nhất, tìm cách nào đó thật dễ chịu, đưa họ đi khám chuyên khoa Tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nói chung, bệnh được phát hiện càng sớm thì kết quả điều trị càng cao.

Nhiều người bị tâm bệnh nhưng không biết mình mắc. Ảnh: INT.

Nhiều người bị tâm bệnh nhưng không biết mình mắc. Ảnh: INT.

Placebo và sự củng cố niềm tin

Trong Y học, thuật ngữ “Placebo” có nghĩa là giả dược, thuốc giả hay thuốc vờ. Đây là một chất trông giống như thuốc, nhưng bản chất không phải là thuốc. Nói đúng hơn đó là một chất mà về mặt dược lý thì “vô thưởng, vô phạt”.

Tuy nhiên nó lại có tác dụng làm... yên lòng người bệnh và nhờ thế mà chữa hết bệnh. Những bệnh ở đây mang tính tâm bệnh nhiều hơn là thực bệnh. Tất nhiên khi được cho dùng placebo người bệnh hoàn toàn không biết mình dùng “của rởm” này.

Nhờ đó, họ đặt niềm tin vào các biện pháp chăm sóc của thầy thuốc và thuốc mà họ đang được sử dụng để điều trị.

Placebo thường được “chế” từ các loại bột mì, đường hoặc một số loại thảo dược không có các hoạt chất dược học. Chúng được đóng gói trông đẹp như… thuốc. Đặc biệt, khi sử dụng, chúng không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Tuy nhiên, trên phương diện lâm sàng với tinh thần “còn nước còn tát” thì đây chính là hy vọng cuối cùng có thể giúp cho bệnh nhân tự vượt qua giai đoạn hiểm nghèo của bệnh tật, khi không còn một loại thuốc nào xem ra phù hợp để điều trị.

Dưới góc độ nào đó, Placebo được xem như là loại “thuốc củng cố niềm tin”. Nhờ đó, tăng cường khả năng tự chống lại bệnh tật của cơ thể bằng các yếu tố mang tính nội sinh.

Giáo sư Kirsch (Đức) cho rằng: Khi bệnh nhân tin tưởng bác sĩ của mình và kỳ vọng tâm lý sẽ giúp tạo ra phản ứng tốt cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu ở nhiều nước cũng đã chứng minh khả năng tác dụng tuyệt vời của Placebo trên cơ sở của sự ám thị, nhất là khi những lời khuyến cáo. Đại loại như đây là loại thuốc mới nhất, tốt nhất, ngoại nhập… được nói từ các bác sĩ chuyên khoa có uy tín.

Placebo dường như không những đánh lừa được bệnh nhân mà còn có khả năng giúp cho thần kinh có những phản ứng tích cực nhất trong việc chống chọi lại các bệnh, qua những phản ứng sinh hóa mang tính hiệu quả cao trong việc chữa trị.

Placebo có nguồn gốc từ tiếng La Tinh, có nghĩa là “Tôi sẽ hài lòng”. Về mặt lịch sử thì placebo đã được nghiên cứu từ lâu và cũng đã có những cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa các nhà khoa học về tính lợi hại của nó.

Có một định nghĩa về placebo như sau: Placebo là một chất vô hại, được dùng như thuốc để làm an lòng một người bệnh khi người đó tưởng mình bị bệnh.

Ban đầu, Placebo được dùng để chỉ một chất dùng trong thử nghiệm lâm sàng nhằm kiểm chứng công hiệu của một loại thuốc nào đó. Khi thử nghiệm một nhóm được cho dùng thuốc thực và nhóm kia được cho dùng Placebo và tất nhiên có không ai biết mình dùng loại nào cả.

Nếu kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm dùng thuốc thực có tác dụng tốt hơn nhóm dùng Placebo thì loại thuốc đó có tác dụng chữa bệnh.

Hiện, vẫn có nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm sử dụng cái gọi là “hiện tượng Placebo” trong phương pháp chữa bệnh hiện đại. Điều này giải thích sự tồn tại đâu đó các “lang băm” có khả năng chữa khỏi một số bệnh nhân mắc bệnh hiểm mà các bệnh viện lớn đã tuyên bố vô phương cứu chữa.

Việc tiếp cận, tạo niềm tin, sự ám thị đã mang đến những kết quả ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng của con người, ngoài sự kiểm soát và giải mã của Y học. Một chuyên gia hàng đầu về hiện tượng Placebo, người Nga là Vladimir Zelenin đã tiến hành thí nghiệm và đi đến kết luận: Khi tiêm nước cất cho người bệnh, nhưng lại ám thị đấy là một lọai thuốc đặc biệt giúp tăng thân nhiệt. Và kết quả là hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy... ấm áp!

Thật ra, vấn đề sử dụng Placebo đã từng gây nhiều tranh cãi. Điển hình như sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia Mỹ và Anh khi Hiệp hội Y tế Đức đưa ra lời khuyên sử dụng Placebo cho các bệnh nhân bị các chứng đau mãn tính hoặc bị trầm cảm nhẹ.

Nghiên cứu của các chuyên gia Đức về Placebo cho thấy trong nhiều trường hợp, Placebo được sử dụng để điều trị bệnh nhân có hiệu quả tốt hơn là thuốc thật!

Tất nhiên, khi được điều trị, các bệnh nhân hoàn toàn không biết đó là... Placebo. Điều này trái với các quy định về mặt pháp luật của Anh và Mỹ là việc dùng Placebo mà không nói rõ cho bệnh nhân biết là thiếu đạo đức nghề nghiệp. Đây chính là nguồn gốc của sự tranh cãi nảy lửa mà không có hồi kết thúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.