Trang Familydoctor vừa đăng tải một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tiến hành trên 1.000 phụ nữ để tìm hiểu tình trạng sức khỏe và những khuyến nghị mà họ nhận được từ các cơ sở y tế trong việc phòng bệnh.
Kết quả cho thấy phụ nữ mắc bệnh về tim hoặc có nguy cơ bị bệnh này không nhận được đầy đủ những khuyến cáo để phòng bệnh.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim gồm huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường, kinh nguyệt không đều, mãn kinh sớm và tiền sử gia đình.
Những phụ nữ có một hoặc nhiều nguy cơ về bệnh tim chiếm 75% người được khảo sát, nhưng trong đó chỉ có 16% từng được cảnh báo về nguy cơ này, 34% phụ nữ thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng ngừa mà chỉ được đề nghị giảm cân.
Điều này vô hình trung đã tạo ra lầm tưởng “chỉ cần giảm béo là tránh được nguy cơ bệnh tim” mà bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ và thay đổi những thói quen gây hại cho tim mạch.
Nhiều thập kỷ gần đây các tổ chức sức khỏe tim mạch liên tục khuyến cáo và nhắc nhở về tầm quan trọng của sức khỏe tim mạch nhưng vẫn chưa được phụ nữ coi trọng.
Họ khuyến nghị một người có một hoặc nhiều nguy cơ mắc bệnh tim đều phải thường xuyên kiểm tra huyết áp và nồng độ cholesterol. Ngoài ra cần nỗ lực kiểm soát đường huyết, ngưng hút thuốc và theo đuổi lối sống lành mạnh.
Phụ nữ sau mãn kinh nằm trong nhóm có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao nhất. Ở tuổi 50, nữ giới bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh, cơ thể lão hóa, chỉ số huyết áp, lipit và đường trong máu tăng bất thường dễ dẫn đến bệnh tim mạch kèm theo nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Tiến sĩ Liu Mei Lin, Trưởng khoa Nội - Lão, Bệnh viện Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, khuyến cáo:“Đối với phụ nữ mãn kinh, tâm trạng không tốt sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe tim mạch”. Tình trạng mất ngủ, trầm cảm, lo âu, nóng giận khiến họ dễ thay đổi tâm tính, giảm chất lượng cuộc sống.
Do vậy đừng coi thường những tâm bệnh này vì nó rất dễ chuyển thành bệnh về tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy trầm cảm làm gia tăng đáng kể bệnh động mạch vành và tỷ lệ tử vong.
Triệu chứng của bệnh tim do trầm cảm thường không điển hình nên dễ dẫn đến chẩn đoán sai và chậm trễ điều trị.
Stress và các thói quen xấu cũng làm tăng huyết áp và nhịp tim, tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ. Thêm vào đó họ có xu hướng hy sinh bản thân để lo cho gia đình nên thường trì hoãn việc khám chữa bệnh, đến khi bệnh có triệu chứng rõ ràng hoặc gây đau mới chịu đi khám.
Một số người đến bệnh viện lại trình bày không rõ vấn đề sức khỏe đang gặp phải khiến bác sĩ chẩn đoán sai. "Mãn kinh là quá trình điều chỉnh tái thích ứng của cơ thể, bao gồm sinh lý và tâm lý nên nhiều phụ nữ dễ gặp vấn đề về cả tâm lý và bệnh tim mạch.
Do vậy làm sao để duy trì sức khoẻ tim mạch và tâm lý tốt là rất quan trọng", bác sĩ Liu chia sẻ.