Theo tôi biết, tại nhiều nước trên thế giới, việc bắt buộc tài xế uống rượu, bia lái xe lao động công ích đã được áp dụng từ lâu. Ngoài việc bị phạt tiền với mức rất cao, họ còn bị cưỡng bức vào bệnh viện chăm sóc bệnh nhân bị TNGT, hỗ trợ CSGT hướng dẫn các phương tiện lưu thông trên đường phố.
Thậm chí, nhiều nước còn áp dụng việc người vi phạm phải hỗ trợ CSGT tìm ra những trường hợp vi phạm trên đường để thay thế mình. Mục đích của việc này không gì khác để những người vi phạm nhận thức được hành vi của mình để về sau không tái phạm.
Ở nước ta, nếu áp dụng biện pháp này, theo tôi sẽ rất nhiều người sợ hơn là hình thức phạt tiền thuần túy. Lâu nay, những người có tiền, có địa vị xã hội, họ sẵn sàng bỏ tiền ra nộp phạt. Nhưng giờ nếu bảo họ phải đi dọn rác, nạo vét sông, hình ảnh họ làm những việc đó được ghi lại, đưa lên mạng xã hội thì tôi chắc chắn nhiều người sẽ không dám lái xe khi đã uống rượu bia nữa. Bởi hình phạt đó đánh trực diện vào cái sĩ diện của họ rất lớn.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một số vấn đề như: khi bắt họ đi lao động công ích thì ai sẽ là người giám sát, làm sao để cưỡng chế họ? Và một khi họ bị cưỡng chế lao động công ích, việc đó có công khai hay không, bằng hình thức nào? Tất cả những điều đó cần các cơ quan chức năng bàn thảo kỹ.
Bên cạnh đó, hiện nay đối với các vụ TNGT, tất cả đều được xếp vào lỗi vô ý, mức phạt tù cao nhất cũng chỉ là 15 năm tù. Trong khi đó, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, còn việc uống rượu bia khi lái xe là điều bị cấm. Vậy khi anh cố tình làm điều cấm, trong khi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có nên coi là vô ý nữa hay không?
Tôi cho rằng ở góc độ nào đó, nếu tài xế uống rượu bia mà gây tai nạn chết người là lỗi gián tiếp giết người chứ không còn là lỗi vô ý nữa. Bởi anh biết điều anh làm là nguy hiểm cho xã hội nhưng anh vẫn cố tình làm. Theo tôi, các nhà làm luật cũng nên lưu tâm điều này.