- Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip nhân viên cây xăng ở đường Trần Cung bị khách hàng tát do nghi ngờ gian lận. Ông nhìn nhận sự việc thế nào?
- Do chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền nên chưa thể xác định có gian lận trong việc bán xăng hay không. Tuy nhiên, hành vi tát, lăng mạ của người mua rõ ràng là trái pháp luật, đã xâm phạm đến sức khỏe, danh dự của người bán hàng.
Giả thiết có gian lận thì đây là lỗi của chủ cây xăng chứ không phải lỗi của người trực tiếp bơm xăng cho khách. Trên thực tế, chỉ có chủ cây xăng mới đủ khả năng điều chỉnh bo mạch. Còn nhân viên chỉ làm thuê nên nếu nghi ngờ thì cũng cần có thái độ tôn trọng họ.
Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An (Hà Nội). |
Theo quy định của pháp luật thì sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của công dân được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đều bị xử lý. Đối với vụ việc nói trên, do tính chất ít nghiêm trọng, chưa đến mức vi phạm hình sự nên người vi phạm sẽ chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Nhưng cũng phải thấy rằng việc gian lận tại các cây xăng khá phổ biến, gây bức xúc trong dư luận. Trong khi cơ quan chức năng chưa có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng này. Vì thế, những hành động thái quá của khách hàng cũng cần được xem xét một cách khách quan.
- Thời điểm này, 2 bên đều khẳng định mình đúng. Cửa hàng
xăng sẵn sàng chịu mất 50 triệu đồng nếu khách hàng chứng minh được hành vi gian lận. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc và trách nhiệm của các bên liên quan ra sao?
- Để xác định gian lận, trong trường hợp này cơ quan quản lý thị trường cần kiểm tra cây xăng, xem xét có dấu hiệu sửa chữa, thay đổi chip, bo mạch không; đồng thời cho đo thử theo thiết bị đo tiêu chuẩn.
Trao đổi với Zing.vn, GS -TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam nhận định, đây là hành động rất côn đồ. Dù nhân viên bán hàng có bơm xăng đúng hay sai dung tích thì tài xế cũng không được phép đánh người. Nếu thắc mắc, nghi vấn, anh ta có thể gọi cảnh sát hoặc mời các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc.
Ngoài ra, cũng có thể “thực nghiệm” với chính chiếc xe của khách hàng. Tất nhiên, việc thực nghiệm này không cho kết quả chính xác bởi trong bình xăng của khách vẫn còn xăng.
Sau khi có kết luận, nếu cây xăng gian lận thì phải hoàn tiền thừa cho khách và chịu xử phạt theo quy định. Nếu cây xăng không gian lận thì người mua phải xin lỗi người bán, đồng thời vẫn bị xử phạt về hành vi Cố ý gây thương tích.
- Trường hợp xác định có gian lận trong bán xăng thì cửa hàng lý kinh doanh xăng dầu sẽ bị xử lý như thế nào?
- Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, nhân viên và chủ đại lý kinh doanh xăng dầu gian lận có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 97/2013/NĐ-CP thì hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra còn bị xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 1 đến 6; Tịch thu chứng chỉ kiểm định; Tịch thu phương tiện đo và các thiết bị khác và buộc khắc phục hậu quả, nộp lại ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp.
Theo Điều 162 Bộ luật Hình sự quy định về tội lừa dối khách hàng, người nào mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng.
Tài xế bạt tai nhân viên đổ xăng vì nghi ngờ gian lận. Ảnh cắt từ clip. |
- Theo luật sư, khi nghi ngờ cây xăng gian lận, khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi đồng thời tránh những rắc rối do hành xử tự phát?
- Trường hợp này, người dân cần yêu cầu cơ quan quản lý thị trường can thiệp. Nếu không liên lạc được với cơ quan này thì có thể yêu cầu công an nơi gần nhất đến lập biên bản sự việc. Sau đó, cơ quan công an sẽ có trách nhiệm chuyển vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng có quyền:
+ Khiếu nại trực tiếp với nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng và yêu cầu bồi thường thiệt hại số lượng xăng bị thiếu.
+ Khiếu nại, tố cáo hành vi gian lận và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi có đại lý bán xăng gian lận đó giải quyết.
+ Khởi kiện đại lý bán xăng gian lận ra TAND cấp huyện nơi có đại lý bán xăng đó để bảo vệ quyền lợi của mình.
+ Tố cáo đến cơ quan công an hành vi gian lận của nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng trong trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng.
18h30 ngày 25/10, anh Hoàng Văn Vượng (26 tuổi) lái chiếc Kia Cerato đến cây xăng trên phố Trần Cung. Nhân viên Nguyễn Văn Tâm (23 tuổi) bơm đầy bình theo yêu cầu của chủ xe.
Khi anh Tâm thông báo số tiền phải trả là 1.020.000 đồng cho 56,6 lít xăng thì anh Vượng cho rằng có gian lận và tát anh Tâm, sau đó trả 1 triệu đồng.
Ngày 27/10, anh Hoàng Văn Vượng đem xe đến gara ôtô Nam Trường Thành (phố Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy).
Qua kiểm tra, chủ gara cho hay, bình xăng ôtô của anh Vương còn nguyên bản theo thiết kế với thông số an toàn 50 lít xăng. Trường hợp bình cạn đáy, dung tích có thể đạt cực đại 56 lít.
Trong khi đó, chủ cây xăng khẳng định, sẵn sàng nộp phạt 50 triệu đồng nếu tài xế Vượng chứng minh được cửa hàng gian lận.