Như anh đã nói hôm qua: "Tường đông lay động bóng cành/ Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào", là lúc Sở Khanh mò đến với Thúy Kiều trong lúc trời nhập nhoạng tối.
Còn lần thứ ba là lần Sở Khanh cùng với Thúy Kiều đi trốn: "Cùng nhau lẻn bước xuống lầu,/Song song ngựa trước, ngựa sau một đoàn".
Nàng hỏi:
- Vậy Kim Trọng đã lẻn ra sao?
Chàng đáp:
- Đó là khi Kim Trọng được tin chú mất phải về Liêu Dương chịu tang, vội đến báo cho Thúy Kiều (đây là chữ "lẻn" đầu tiên mà đại thi hào Nguyễn Du dùng trong Truyện Kiều): "Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng/Băng mình lẻn trước đài trang tự tình".
Nàng hỏi tiếp:
- Thế còn Thúc Sinh đã "lẻn" như thế nào hả anh?
Chàng trai trả lời:
- Đó là lần Thúc Sinh lẻn đến để tình tự với Thúy Kiều khi Hoạn Thư về thăm mẹ (và đây cũng là lần "lẻn" cuối cùng trong Truyện Kiều): "Thừa cơ Sinh mới lẻn ra/Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng".
Vừa đọc xong câu thơ, chàng trai quay lại hỏi người yêu:
- Vậy nàng Kiều có lúc nào "xăm xăm" không em?
Không đợi người yêu trả lời, chàng tiếp luôn: "Cửa ngoài vội rủ rèm the,/Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình".
Ngay từ buổi đầu, khi thấy cha mẹ mình không có nhà, nàng Kiều đã chủ động sang với Kim Trọng như vậy. Em thấy, ngay từ thời trước, nàng Kiều có "mạnh mẽ" không?
Không phải chỉ đến ngày nay con gái mới bạo dạn như thế! Sau này, đại thi hào Nguyễn Du còn cho ta biết Thúy Kiều còn "Xăm xăm gõ cửa mái ngoài..." khi đi trốn từ nhà Hoạn Thư đến Chiêu Ẩn am của vãi Giác Duyên.
Thấy người yêu trả lời trôi chảy và khúc triết như vậy, nàng âu yếm:
- Khen anh trí nhớ tuyệt vời
Đọc thơ đã dễ mấy người biết thơ.
"Ngon đèn khi tỏ khi mờ"
Nghe anh giải thích mà ngơ ngẩn người!
"Cùng nhau trông mặt cả cười
Tình trong tuy đã mặt ngoài còn e".
Cuối năm anh đón em về
Đôi ta tiếp tục tỉ tê... Truyện Kiều!...