Tái thiết giáo dục sau đại dịch Covid-19

GD&TĐ - Những nội dung ưu tiên tái thiết GD sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại những hội nghị quốc tế.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.

Bù đắp khoảng trống trong giáo dục

Tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Thông qua Hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022 - 2023 của ASEAN, những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả. Trước mắt để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Và sau đó, là về trung và dài hạn, từng quốc gia của cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.

Ngày 19/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã dự Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục tại New York, Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ một số quan điểm và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững trong giáo dục.

Bộ trưởng thông tin, tại Việt Nam, trong hơn hai năm qua, những ý chí, nỗ lực, sự bền bỉ của học sinh, thầy cô, nhà trường đã giúp sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời cho rằng, việc phải đối mặt và vượt qua thách thức do đại dịch mang lại đã giúp chúng ta định hình cách nhìn mới về tương lai của giáo dục. Chúng ta càng thêm chắc chắn rằng công cuộc chuyển đổi giáo dục cần phải tăng tốc hơn nữa, trong bối cảnh những thay đổi vốn mang tính dài hạn nay được đẩy nhanh bởi đại dịch.

Thay vì hy vọng mọi thứ trở về bình thường như trong quá khứ, cách tiếp cận tốt nhất giúp chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ giữa những bất ổn trước mắt và xu hướng toàn cầu dài hạn là kết hợp các phương pháp tối ưu trước và trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Việc đầu tiên cần làm, theo Bộ trưởng, là bù đắp những khoảng trống giáo dục do ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong thời gian dài. Hơn cả kiến thức, học sinh sau đại dịch đặc biệt thiếu hụt các kỹ năng trong cuộc sống cũng như học tập. Việc quay trở lại trường học giai đoạn này là một thay đổi lớn, đòi hỏi học sinh phải được trang bị khả năng thích ứng với nhiều thay đổi trong một thời gian ngắn. Các kỹ năng và việc củng cố kiến thức trở nên cần thiết hơn đối với việc phải đạt một điểm số cụ thể, hoặc vượt qua kỳ thi tại một thời điểm cụ thể trong cuộc sống.

Tiếp đến, trong một thế giới mà mọi thứ diễn tiến ngày càng nhanh hơn, phân hóa mạnh hơn và liên kết với nhau chặt chẽ hơn, chúng ta cần một mạng lưới kết nối mạnh mẽ để tối ưu hóa tiềm năng của mình và bảo đảm rằng không ai bị sót lại phía sau. Song song với các biện pháp hỗ trợ tư vấn về sức khỏe tinh thần, kỹ năng bậc cao để kết nối, cộng tác và tạo ra những giá trị mới là thứ chúng ta cần phải tập trung thúc đẩy cho thế hệ tương lai.

Cuối cùng, thông qua đối thoại chính sách, chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn những kinh nghiệm quốc tế về ứng phó và phục hồi sẽ được phổ biến nhanh chóng, kịp thời và các sáng kiến đổi mới sáng tạo cũng từ đó được nhân rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục Liên Hợp Quốc.

Thu hẹp khoảng cách

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội nghị sau 2 năm khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là thời điểm quan trọng của giai đoạn phục hồi, đồng thời là cơ hội để các quốc gia trở mình phát triển mạnh mẽ hơn. Tương tự, với giáo dục cần phát huy sứ mệnh của mình để trang bị kiến thức, kỹ năng cho thế hệ công dân hiện tại và tương lai vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt. Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, việc đáp ứng được mục tiêu giáo dục có chất lượng (SDG 4) sẽ góp phần vào sự tiến bộ của tất cả mục tiêu phát triển bền vững khác.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng trình bày 3 ý kiến và hy vọng những ý này sẽ góp phần thúc đẩy vào quá trình phát triển giáo dục một cách bền vững của các quốc gia.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thứ nhất, đối với một nền giáo dục, bất kể trình độ phát triển nào, việc cần phải làm là thu hẹp những khoảng cách về bất bình đẳng. Việt Nam đã đạt được phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, bình đẳng trong tiếp cận là chưa đủ, chúng ta cần phải bảo đảm chất lượng giáo dục, sự hòa nhập và công bằng ở tất cả cấp học là mục tiêu quan trọng trong tầm nhìn ở giai đoạn tới.

Thứ hai, giảng dạy không chỉ là truyền thụ kiến thức, học tập không chỉ là tiếp nhận kiến thức. Giáo viên là người hỗ trợ giúp học sinh hấp thụ kiến thức mới và xử lý các nguồn thông tin. Đích đến của việc học tập không phải chỉ có kiến thức, càng không phải là kiến thức của ngày hôm qua. Thay vào đó, chúng ta cần hướng tới khả năng cộng tác, kết nối và kiến tạo. Điều này đòi hỏi giáo viên cần phải có kiến thức, kỹ năng để giúp học sinh hiện thực hóa tiềm năng của mình.

Thứ ba, tiến bộ của khoa học, công nghệ cho phép chúng ta kết nối trong một cộng đồng số, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong thế giới đầy biến động. Phương pháp, nội dung giảng dạy có thể thay đổi, nhưng những giá trị cốt lõi luôn bất biến. Vì vậy, điều quan trọng là phải giúp học sinh định hướng bản thân, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc với những giá trị căn bản mà chúng ta mong muốn các em sẽ trân trọng trong suốt cuộc đời của mình.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi với Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi với Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ.

Giáo dục dựa trên nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết

Ngày 13/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc trong mọi thời đại. Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Hằng năm, ngân sách dành cho giáo dục chiếm 20% ngân sách quốc gia. Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được ghi nhận thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM.

Bộ trưởng chia sẻ: Trong hai năm qua, giáo dục phải chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19. Chúng ta đã cùng trải qua những thách thức như đóng cửa trường học; những khó khăn khi thực hiện dạy và học hoàn toàn trực tuyến và qua truyền hình. Cùng với đó là vấn đề về sức khỏe và an toàn của học sinh phát sinh khi không được đến trường thời gian dài. Nguy cơ hổng kiến thức, kỹ năng và việc đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường học khi tình hình cho phép. Mặc dù khó khăn là vậy, thời gian qua, chúng ta đã cố gắng vượt qua những “cú sốc” chưa từng có tiền lệ đối với giáo dục, để giảm thiểu tối đa tác động bất lợi của đại dịch.

Trong bối cảnh mới đó, Việt Nam vinh dự là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023. Bày tỏ điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Với tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ GD&ĐT Việt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.

Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, cũng như hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ GD&ĐT đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch kênh giáo dục 2022 - 2023 như sau: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Những ưu tiên này phù hợp với 5 nội dung mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đưa ra để kêu gọi các nước cam kết cho giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục được tổ chức tại New York vào các ngày 17, 18 và 19/9 vừa qua.

“Một năm vừa qua, những ưu tiên này được chúng ta hiện thực hóa bởi nhiều hoạt động theo đúng tinh thần “nỗ lực chung”. Trong đó có hoạt động chính như: Hội nghị giáo dục với chủ đề “Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục”; Tài liệu phục hồi và thích ứng trong giáo dục: Hướng dẫn cho các quốc gia ASEAN do Campuchia chủ trì xây dựng; Tuyên bố ASEAN về chuyển đổi số trong giáo dục do Philippines chủ trì xây dựng; Lộ trình thực hiện Không gian giáo dục đại học ASEAN 2025 được công bố tại Hà Nội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam cam kết: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”.

Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức bàn về việc tái thiết giáo dục toàn cầu sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Chủ trì Hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã đưa ra thông điệp để kêu gọi, khuyến cáo các quốc gia cùng chung tay giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh với giáo dục.

5 vấn đề được ông António Guterres nêu ra để các nước thành viên Liên Hợp Quốc quan tâm và có cam kết mạnh mẽ là: Bảo đảm sự công bằng trong giáo dục; Quan tâm, chăm lo cho đội ngũ giáo viên; Bảo đảm an toàn trường học; Tất cả người học được thụ hưởng bình đẳng những tích cực do chuyển đổi số mang lại; Đầu tư tài chính xứng đáng cho giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ