Công cuộc tái thiết di sản công nghiệp đã được một số quốc gia thực hiện từ thế kỷ trước. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây là thuật ngữ và thực hành bảo tồn di sản hoàn toàn mới. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý và hoạch định chính sách, cũng như các nhà bảo tồn cần có chiến lược dài hơi.
Cơ hội giữ lại các giá trị cũ
Triển lãm mang tên “Tái thiết di sản công nghiệp” được khởi xướng và tổ chức bởi Viện Pháp và Viện Goethe sẽ khai mạc tại Hà Nội vào ngày 18/11 - nhằm mang lại cho cộng đồng những góc nhìn về khả năng chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thông qua các ví dụ về bảo tồn và phát huy di sản công nghiệp tại các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này tại châu Âu.
Triển lãm cũng gợi mở câu hỏi về tương lai cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội, trong bối cảnh thành phố chính thức có quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp cũ, từng ghi dấu nhiều giá trị văn hóa - lịch sử.
Theo đó, mới đây trong kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội, 100% các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn. Trong vòng 5 năm tới, 9 cơ sở phải di dời theo quy hoạch như: Công ty In báo Nhân Dân, công ty TNHH một thành viên In báo Hà Nội mới, nhà máy Bia Hà Nội, công ty TNHH một thành viên thuốc lá Thăng Long, nhà máy xe lửa Gia Lâm, viện Hóa học công nghiệp Việt Nam…
Việc di dời các cơ sở nhằm sắp xếp lại theo quy hoạch, góp phần sử dụng hiệu quả. Đồng thời, tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, bảo đảm hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.
Các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội để thành phố vừa giữ lại những giá trị lịch sử, di sản của những nhà máy cũ, đồng thời, tạo ra những giá trị mới về kinh tế, văn hóa thông qua hoạt động tái thiết.
Trong 9 cơ sở phải di dời, nhiều công trình đã tồn tại qua nhiều thập kỷ và gắn bó với người dân Thủ đô. Như nhà máy Bia Hà Nội được xây dựng từ năm 1890, đến nay đã có lịch sử 132 năm. Hay như nhà máy Xe lửa Gia Lâm lại được nhớ đến như những công trình tiêu biểu của thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Trong khoảng gần 50 năm trở lại đây, thay vì xóa bỏ những nhà máy, xí nghiệp cũ, xu hướng chủ đạo ở nhiều quốc gia là nhìn nhận nó như một di sản công nghiệp, di sản đô thị và tái thiết thành những không gian mới, vừa có giá trị văn hóa, vừa đem lại giá trị kinh tế.
Thậm chí tại châu Âu, di sản công nghiệp được coi là yếu tố then chốt của sự phát triển bền vững về lãnh thổ, kinh tế, xã hội và đóng góp đáng kể vào sự thịnh vượng của đất nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có chiến lược tái thiết các nhà máy cũ thành các di sản văn hoá. |
Tái thiết không gian văn hoá
“Một trong những trở lực lớn là khái niệm di sản công nghiệp còn khá mới và chưa được pháp lý hóa. Do chưa chính danh nên việc bảo vệ và tái thiết các di sản công nghiệp còn khó khăn”, PGS. Phạm Thúy Loan, Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam.
Từ kinh nghiệm bảo tồn của các nước, Viện Pháp và Viện Goethe tại Việt Nam từng tổ chức chuỗi hội thảo để đưa ra đề xuất, giới thiệu mô hình tái thiết phù hợp với điều kiện của Hà Nội.
Ví dụ điển hình cho mô hình chuyển đổi sáng tạo này là khu phức hợp văn hóa La Friche tái thiết từ nhà máy thuốc lá SeiTa (Pháp). Từ năm 1991 đến năm 2000, nhà máy được chuyển đổi thành khu phức hợp văn hóa gồm 5 không gian biểu diễn, sân chơi, thể thao, nhà hàng, hiệu sách, cùng một khu triển lãm. Hiện tại La Friche cung cấp không gian làm việc cho khoảng 350 nghệ sĩ và trở thành địa điểm biểu diễn công cộng.
Thực tế tại Việt Nam cũng có không ít mô hình chuyển đổi từ cơ sở công nghiệp cũ thành các không gian sáng tạo mới, như 282 Design Bồ Ðề (Long Biên). Vốn là một nhà máy cũ, sau khi chuyển đổi đã trở thành không gian làm việc, tổ chức các cuộc tọa đàm chia sẻ, trưng bày, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật...
GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, duy trì và phát triển tiếp di sản đô thị là việc rất nên làm. Di sản đô thị là một cấu trúc không gian lịch sử của đô thị, là không gian sống động tồn tại và phát triển hằng ngày. Do đó cần có sự cải tạo, sáng tạo, duy trì và phát triển tiếp nối.
Đô thị là đỉnh cao của nền văn minh cộng cư và tồn tại trong thời gian dài. Đô thị trong lịch sử đều sở hữu tài sản - di sản của quá khứ dù lớn hay nhỏ. Mỗi đô thị chỉ có thể duy trì, bảo lưu và củng cố được diện mạo riêng, tâm hồn riêng và bản sắc riêng.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu: “Sự tồn tại của di sản văn hóa phản ánh thái độ ứng xử của triều đại sau đối với triều đại trước. Bảo tồn di sản lịch sử không đơn giản là công việc khoa học mà đó là “không gian đối thoại giữa hiện tại và quá khứ”, thể hiện tính nhân văn của một thể chế, một thời đại”.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, di sản đô thị đang chịu cảnh lép vế so các di tích, di sản văn hóa khác. Trong Luật Di sản văn hóa không đề cập đến loại hình này, cũng như chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ.
Cũng theo bà Hậu, di sản văn hóa đô thị cần được coi là tài sản, nguồn vốn xã hội quan trọng và lâu dài chứ không phải là một “gánh nặng” do phải bảo tồn, trùng tu hay là sự cản trở quá trình hiện đại hóa - do không thể lấy vị trí của di sản để xây công trình mới.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, là quận có nhiều di sản được biết đến với kiến trúc chuyên biệt, mang lợi thế về quy hoạch. Quận hướng tới tu bổ các di tích bị bỏ sót, chuyển đổi thành không gian văn hoá sáng tạo cộng đồng.