Lão nông Setsuzo Tanaka với phương pháp “thức tỉnh rã đông” để trồng chuối
Tái tạo kỷ băng hà
Nhật Bản là một trong những quốc gia tiêu thụ chuối nhiều nhất thế giới, tuy nhiên có tới 99% lượng chuối được tiêu thụ tại quốc gia này được nhập khẩu từ các nước nhiệt đới, tương đương khối lượng gần 1 triệu tấn/năm. Nhưng mới đây, tại trang trại D&T (Nhật Bản), chuối đã được trồng thử nghiệm phát triển tới kích thước gần đủ lớn để thu hoạch trong một nhà kính đơn giản được làm bằng… nhựa. “Thông thường thời vụ cho thu hoạch chuối sẽ mất khoảng 2 năm, nhưng ở đây chúng tôi chỉ mất có 4 tháng”, ông Setsuzo Tanaka, phụ trách nghiên cứu của D&T Farm cho biết.
Khoảng 20.000 năm trước, thực vật được đánh thức sau kỷ băng hà và khi nhiệt độ tăng dần. Ở thời kỳ đó, cây chuối phát triển rất nhanh trong nền nhiệt 12-13 độ C lúc ban ngày và dưới 0 độ C vào ban đêm. Ông Tanaka chia sẻ, khí hậu nhân tạo sẽ làm cây chuối đóng băng ở nhiệt độ âm 60 độ C, sau đó rã đông để cây chuối lớn nhanh như thổi. Phải mất hơn 40 năm cùng số tiền 4,5 triệu USD, ông Tanaka mới hoàn tất quá trình nghiên cứu của mình. Ngoài ra, ông Tanaka còn cho biết, trong quá trình trồng thử nghiệm chuối, ông không hề sử dụng thuốc trừ sâu và cũng không sử dụng công nghệ biến đổi gene.
Giải bài toán thiếu lương thực
Từ đầu thế kỷ XX, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu chuối từ Đài Loan (Trung Quốc), tuy nhiên giống chuối này không phù hợp, thường xuyên bị bệnh nên Nhật đã không nhập nữa. Giống mới mà ông Tanaka nghiên cứu dựa trên giống Gros Michel từ Pháp, có độ ngọt và chất xơ nhiều hơn. Dự kiến, năm 2017, nông dân Nhật bắt đầu trồng giống chuối của Tanaka do hãng hóa chất Air Water tại Osaka hỗ trợ triển khai.
Mặc dù D&T Farm mới được thành lập cách đây hơn 1 năm nhưng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác. Nhà sản xuất chuối Dole Food đã liên hệ với lão nông Tanaka để ký hợp đồng sản xuất trong tương lai. Ngoài ra, một ngân hàng lớn tại địa phương đã đề nghị cung cấp vốn cho D&T Farm mà không cần bất kỳ một sự cam kết hay đảm bảo tài chính nào. “Nếu chuối được trồng khoảng 30% diện tích đất bỏ hoang trên khắp nước Nhật sẽ tạo ra một thị trường chuối lên tới 600 tỷ yên, đồng thời tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động”, đại diện một công ty hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp chia sẻ.
Điều đặc biệt thành công của lão nông Tanaka là ông còn nghiên cứu thành công trên đu đủ, ca cao, măng cụt, hạt điều bằng phương pháp tương tự. Trong tương lai, ông sẽ hướng tới phát triển phương pháp này trên lúa mì, đậu tương, ngô có chất lượng và năng suất cao. Mơ ước của ông là các loại giống cây của mình tạo ra sẽ được trồng tại Siberia (Nga) bởi “Siberia có lượng nước dồi dào và đất đai màu mỡ. Nếu các loại cây trái, hạt được trồng và thu hoạch ở nhiệt độ lạnh thì bài toán khó về vấn đề thiếu lương thực toàn cầu sẽ được giải quyết một cách triệt để”, lão nông Tanaka chia sẻ.