Tại sao phụ huynh không thích con giỏi môn Xã hội?

Suốt mấy bữa nay, chồng tôi rất buồn bực về chuyện học hành của con. Ông xã không ngừng chì chiết thằng bé. Rằng tại sao lại chọn môn Địa để bồi dưỡng chứ. Rồi học giỏi Địa thì sau này để làm gì. Anh vừa động viên, vừa dọa dẫm để con thay đổi...

Tại sao phụ huynh không thích con giỏi môn Xã hội?

Con trai tôi năm nay học lớp 8. Cháu vốn trầm tính và ít nói. Trước đây cháu chỉ thích các môn Tự nhiên. Cháu thường bảo với mẹ học Tự nhiên đỡ vất vả hơn học Xã hội. Các môn Xã hội của con thường thấp điểm hơn môn Tự nhiên.

Tôi thì chỉ bảo cháu phải cố gắng học đều hết các môn. Mỗi môn có một vị trí, vai trò khác nhau. Các môn Tự nhiên giúp con tính toán giỏi nhưng các môn Xã hội sẽ giúp con có động lực và ý chí để phấn đấu đấy.

Cách đây hơn năm, tôi đã lập một tủ sách gia đình dành tặng con. Ngoài truyện đọc tôi còn mua thêm rất nhiều sách tham khảo để con đọc thêm. Từ Tự nhiên cho đến Xã hội. Rồi chẳng biết từ khi nào con bắt đầu ham đọc. Khi nào rảnh con đều đọc sách để tham khảo.

Nhiều hôm con còn nài nỉ mẹ dẫn đi nhà sach để mua thêm. Từ đó, điểm số môn Xã hội của con cũng khá lên rất nhiều. Tôi thật sự vui mừng vì sự tiến bộ của con.

Hết học kì 1 vừa rồi, con háo hức khoe với mẹ con đạt điểm 10 môn Địa lý. Khi ấy, tôi đã chúc mừng con vì sự cố gắng. Tôi rất mong con nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt thành tích cao trong học  tập.

Tuần trước, trường con bắt đầu chọn đội tuyển học sinh giỏi. Tôi vốn dĩ cũng không quan tâm mấy vấn đề này. Cái chính vẫn là ý thích của con. Con thích học môn nào tôi cũng ủng hộ hết. Khi nghe con thông báo chọn môn Địa để bồi dưỡng thì tôi vẫn ủng hộ. Tôi động viên con cố gắng để đạt kết quả cao trong kì thi tới.

Ngay sau khi biết tin con trai chọn môn Địa để bồi dưỡng thì chồng tôi nhất định phản đối. Anh bảo không hiểu sao con lại chọn môn này. Rồi anh yêu cầu con phải đổi ngay lại môn khác.

Anh không muốn con giỏi môn Xã hội, con có thể học lệch như xưa cũng được. Nhất định phải đầu tư vào những môn Tự nhiên. Giỏi môn Địa thì có gì là tự hào nào. Sau này học các môn Xã hội thì cơ hội kiếm việc làm cũng khó.

Rồi anh quay sang tôi trách mắng sự chiều con. Anh bảo định hướng cho con theo môn học là rất quan trọng. Bây giờ con có thể thích môn này thật nhưng còn tương lai sau này của con thì sao. Anh không ngừng trách tôi "con hư tại mẹ", "thương con như thế bằng mười hại con".

Sau khi bị ba la rầy thì thằng bé con tôi chỉ biết cầu cứu mẹ. Cháu mong muốn tôi thuyết phục ba nó giúp. Con muốn được theo học môn này. Con tự thấy mình có năng khiếu môn Địa. Nhìn con như vậy, tôi thương mà chưa biết phải làm sao cả.

Hiện nay có không ít phụ huynh có suy nghĩ như chồng tôi. Họ luôn mong muốn con mình học giỏi. Mà nhất định phải giỏi các môn tự nhiên.

Họ dường như xem thường các môn Xã hội. Họ không tiếc tiền của để đầu tư cho con học thêm các môn Tự nhiên. Rằng học giỏi Tự nhiên sau này mới có tương lai. Cơ hội kiếm tiềm mới dễ dàng. Còn học giỏi Xã hội thì chẳng để làm gì. Chính vì thế mà học sinh bây giờ cũng có tư tưởng đó. Nhiều em chỉ đầu tư vào các môn chính, môn Tự nhiên. Riêng các môn Xã hội thì chỉ học qua loa, đối phó cho xong.

Là người mẹ, tôi luôn nghĩ, con học, con vui và hiểu biết là được. Tôi luôn động viên con học đều hết các môn. Con yêu thích môn nào có thể tập trung nhiều hơn vào môn đó.

Nói chung tôi không áp đặt chuyện học hành cho con. Con thích cái gì học cái đấy. Tôi chỉ muốn con được vui vẻ và hạnh phúc mà thôi. Sau này con thích ngành gì con theo học ngành đó. Tôi luôn ủng hộ con.

Con đi học là học cho tương lai của con sau này. Thế nhưng người lớn chúng ta lại cứ áp đặt chúng theo suy nghĩ của mình. Ai cũng nghĩ đó là cách thương con và lo cho con tốt nhất. Cuối cùng các con cứ phải làm theo ý thích của người lớn. Thật là khổ biết bao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.