Nhiều loại túi nilon gắn mác tự hủy
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, trong 2 năm thực hiện đề tài “Đánh giá khả năng phân hủy của các polymer phân hủy sinh học hiện có ở Việt Nam trong các điều kiện xử lý khác nhau”, nhiều vấn đề về sử dụng túi nilon ở Việt Nam được “lộ” ra.
Đó là nhiều loại túi nilon được quảng cáo là thân thiện môi trường, tự phân hủy, nhưng thực tế thì không. Nhà sản xuất giấu giếm việc nó không phải là túi nilon tự phân hủy, bằng cách sử dụng các hạt vị nhựa cộng với nhiều hóa chất khác nhau để làm túi nilon.
Do đó, khi đối sánh với các loại túi nilon tự hủy, trong cùng một tác nhân như nhau, điều kiện như nhau thì túi nilon “dởm” này thể hiện không khác gì túi nilon thông thường.
Nhóm các nhà khoa học đã làm thực nghiệm về khả năng phân hủy của các loại túi polymer, chất dẻo đang được sử dụng ở Việt Nam và được quảng cáo là tự phân hủy sinh học trong các điều kiện và các tác nhân khác nhau. Đây là những nhà khoa học đầu ngành đến từ nhiều đơn vị khác nhau.
Để xác định khả năng phân hủy sinh học của những loại túi nêu trên, các nhà khoa học đã sử dụng đa dạng phương pháp kỹ thuật hiện đại, như sinh học, di truyền, thay đổi cấu trúc hóa học, vật lý...
Nhóm nghiên cứu đã thiết kế nhiều lô thí nghiệm với nhiều tác nhân sinh học và vật lý để thử mức độ phân hủy của mẫu, như sử dụng dịch chiết của bốn chủng nấm đảm; sử dụng các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn ưa nhiệt được phân lập từ phân hữu cơ làm bằng phụ phế liệu nông nghiệp; sử dụng điều kiện hiếu khí, kỵ khí hay kết hợp cả hiếu khí và kỵ khí; nhiệt độ, độ ẩm tương đồng với môi trường tự nhiên của vùng nhiệt đới từ 10°C đến 60°C; tác dụng tia tử ngoại... để cho ra những kết luận chính xác.
“Chỉ mặt” túi nilon phân hủy sinh học dởm
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ, điều bất ngờ trong kết quả thử nghiệm cho thấy, trong điều kiện thí nghiệm, túi của Hà Lan, Đức đã bị phân hủy mạnh nhất bởi tất cả các tác nhân, trong đó quan trọng nhất là thay đổi cấu trúc hóa học và khối lượng phân tử trung bình, tổn hao khối lượng (45 - 46% sau 14 tháng do tác nhân vật lý, và 91% sau 1 tháng do tác nhân sinh học).
Túi là sản phẩm nghiên cứu của Viện Hóa học có khả năng phân hủy sinh học đứng thứ hai (12 - 15% đối với tác nhân vật lý sau 14 tháng). Còn các loại túi tại các siêu thị được công bố là được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường, được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu và túi có nguồn gốc dầu mỏ khả năng phân hủy sinh học rất thấp (chỉ 4,7 - 6% khối lượng sau 14 tháng).
Theo PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, kết quả đánh giá cho thấy, một số loại túi được gắn nhãn “thân thiện môi trường” và “phân hủy sinh học” đang lưu hành trên thị trường Việt Nam hiện nay có mức độ phân hủy thấp và có sự cách biệt xa so với túi phân hủy sinh học có chứng nhận của EU và túi do Viện Hàn lâm KH&CN nghiên cứu.
Theo tài liệu mà nhóm nghiên cứu tiếp cận được, hiện có khoảng hơn 100 công ty ở Việt Nam sản xuất/phân phối các sản phẩm túi plastic trong đó khoảng hơn 20 công ty sản xuất/phân phối túi plastic phân hủy sinh học. Rõ ràng, có những doanh nghiệp đang mạo danh sản xuất túi nilon phân hủy sinh học để đánh lừa người tiêu dùng.
“Ngay sau khi công bố kết quả thử nghiệm, một số người cũng tìm đến chúng tôi, đề nghị được giúp đỡ nghiên cứu xem sản phẩm phân hủy sinh học của họ thực tế như thế nào. Tránh tình trạng nhập nhèm bùn với đất trộn lẫn vào nhau, không phân biệt đâu là túi nilon phân hủy sinh học thực sự.
Khi chúng tôi thực hiện đề tài này, chỉ hoàn toàn phục vụ mục đích khoa học chứ không có ý định “chỉ mặt” ai. Nhưng qua đó để thấy, xã hội này vẫn còn có những người rất tốt, những doanh nghiệp làm ăn rất đàng hoàng”, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết.
Xử lý rác thải nhựa thành phân bón
Qua việc nghiên cứu nêu trên, nhóm tác giả đã sáng chế ra các chế phẩm sinh học phân hủy rác thải nhựa thành phân bón an toàn. Vào đầu tháng 6/2019, đề tài của nhóm tác giả do PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà làm chủ nhiệm được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp 3 bằng độc quyền sáng chế về các chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer, plastic (chất dẻo) có nguồn gốc khác nhau.
Trong đó, một chế phẩm được tạo ra từ tổ hợp của 4 chủng nấm đảm mới được phân lập và phân loại định danh. Hai chế phẩm còn lại được tạo ra từ các chủng xạ khuẩn chịu nhiệt phân lập từ đống ủ compost rác thải sinh hoạt, trong đó xạ khuẩn có công dụng phân hủy mạnh hơn nấm đảm.
Các chế phẩm không chỉ thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy của các loại rác nhựa phân hủy sinh học mà cả quá trình ủ compost từ một số loại rác hữu cơ với chất lượng đầu ra “giống như được khử trùng rồi”, có thể dùng vào việc cải tạo đất một cách bền vững hoặc làm phân bón an toàn.
Theo nhóm nghiên cứu, các chế phẩm hoàn toàn sử dụng nguồn tài nguyên di truyền của thiên nhiên Việt Nam và được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bởi vậy không lo vấn đề cạn kiệt nguồn nguyên liệu.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết, sau đề tài này, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu thêm các tổ hợp vi sinh vật, tổ hợp nấm có khả năng đẩy nhanh hơn nữa quá trình phân hủy của các loại rác thải nhựa phân hủy sinh học và tiến tới các loại rác thải nhựa khó phân hủy.
Quy mô làm lần này sẽ lớn hơn nhiều, làm thành tổ hợp chuyên sâu hơn để cho ra những kết quả có thể ứng dụng rộng rãi hơn. Khi đó, việc xử lý rác thải nilon không còn là nỗi khiếp đảm của nhân loại nữa.