Tại sao nhạc văn minh khó tiếp cận số đông?

GD&TĐ - Đây là câu hỏi khiến biết bao nghệ sĩ và cả những người yêu mến nghệ thuật chân chính từng trăn trở. Người ta có thể nói rằng V-pop chưa có được một nền âm nhạc chuyên nghiệp, chưa đủ tầm vươn ra thế giới bởi V-pop còn nhiều nhộn nhạo. 

“Gu” thưởng thức âm nhạc của khán giả càng thay đổi, các giới hạn càng được đẩy xa, âm nhạc ngày càng phóng khoáng theo nhiều nghĩa.
“Gu” thưởng thức âm nhạc của khán giả càng thay đổi, các giới hạn càng được đẩy xa, âm nhạc ngày càng phóng khoáng theo nhiều nghĩa.

Nhưng điều đó chưa hẳn đúng, âm nhạc cũng là một xã hội thu nhỏ, ở đây có những sản phẩm tốt, có cả sản phẩm chưa tốt, có những nghệ sĩ lao động nghiêm túc, nhưng cũng có không ít người chỉ mải chạy theo hào quang và lợi nhuận.

Số đông đang quan tâm điều gì?

Chúng ta cần nhìn nhận khách quan hơn, như đã nói ở trên, âm nhạc là một xã hội thu nhỏ, bởi thế cái sự nhộn nhạo không chỉ xảy ra với V-pop, nó là hiện trạng của tất cả các nền âm nhạc trên thế giới.

Cách đây rất lâu, khi US-UK mới chỉ có ABBA, The Beatles, Modern Talking,… cả thế giới say đắm trong những giai điệu và lời ca tuyệt đẹp, âm nhạc khi ấy có thể được gọi là thuần khiết, khái niệm scandal dường như chưa hề xuất hiện, công việc duy nhất của khán giả chỉ là thưởng thức âm nhạc mà thôi. Nhưng nghệ thuật cũng thuận theo tự nhiên, không tránh khỏi quy luật tre già măng mọc.

Sự chuyển mình của xã hội tác động trực tiếp và sâu sắc đến âm nhạc, quan điểm sáng tác cũng như phong cách của giới nghệ sĩ không ngừng thay đổi, “gu” thưởng thức âm nhạc của khán giả cũng đổi thay. Các giới hạn ngày càng được đẩy xa, âm nhạc ngày càng phóng khoáng. Đã qua cái thời nhà nhà bật đĩa, mở băng của những ban nhạc thế hệ vàng, say sưa nghe và nhún nhảy.

Giờ đây thưởng thức âm nhạc còn là “ngắm” và “hóng”. Nghệ sĩ ngày nay không được phép xấu bởi showbiz rất coi trọng phần nhìn, nghệ sĩ ngày nay muốn nổi tiếng thì phải dính chút ít thị phi, phải tạo ra câu chuyện giật gân để công chúng có cái bàn tán, bình phẩm. Cứ thế, nền âm nhạc thuần túy và trong sáng dần biến mất, giờ đây chúng ta phải gọi nó bằng một cái tên khác: Xã hội âm nhạc.

Dù là US-UK, K-pop, J-pop hay V-pop… đâu đâu chúng ta cũng thấy người ta bình phẩm nghệ sĩ này sexy ra sao, lắm scandal thế nào… Bởi thế, những ai nổi bật nhất thường là người tạo được nhiều tai tiếng nhất. Sản phẩm của họ dù không được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng thường xuyên chễm chệ trên các bảng xếp hạng.

Ngược lại, những nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc, tạo ra những sản phẩm chất lượng thường khó tiếp cận số đông bởi âm nhạc cũng như lối sống của họ quá sạch sẽ, họ chẳng có gì để người ta bình phẩm.

Họ nhận được nhiều giải thưởng cao quý từ hội đồng nghệ thuật, nhưng vẫn bị số đông phủ nhận, điều đó khiến họ đau lòng. Suy cho cùng, âm nhạc phải hướng đến đại chúng, đó mới là thành công lớn nhất của nghệ sĩ, đặc biệt là những người luôn cầu toàn và tỉ mỉ.

Nhiều năm qua, chúng ta từng phải chứng kiến không ít câu chuyện buồn trong giới nghệ sĩ, họ tài năng, đầy đam mê và hết mình với âm nhạc. Nhưng họ bất lực khi không có cách nào lay chuyển số đông chỉ bằng thứ âm nhạc sạch sẽ và đẹp đẽ thuần túy, họ tìm đến cái chết để truyền tải một thông điệp: Đời sống nghệ thuật quá nghiệt ngã đối với họ.

Gần đây, câu chuyện của một chàng nghệ sĩ K-pop tài hoa nhưng đoản mệnh cũng để lại một bài học lớn cho cả nền âm nhạc thế giới. Khi còn khỏe mạnh, cậu từng sáng tác rất nhiều tác phẩm hay, giọng hát của cậu cũng thật tuyệt. Lời ca và giai điệu phảng phất nỗi buồn sâu thẳm của cậu nhưng lại mang đến sự an ủi, xoa dịu và động viên, cậu hướng người nghe nghĩ đến những điều tích cực và một tương lai hạnh phúc.

Nhưng đáng tiếc, chẳng mấy ai nhận ra điều đó, số đông cứ mải miết chạy theo thứ âm nhạc thị hiếu, họ vẫn thích ngắm, thích bình phẩm hơn là lắng nghe và cảm nhận. Phải sống trong những khen chê, đánh giá, thậm chí chửi rủa, cậu nghệ sĩ ấy chìm sâu trong căn bệnh trầm cảm và cuối cùng cậu chọn cách ra đi vĩnh viễn.

Trớ trêu thay, sự ra đi này đã đưa những sản phẩm âm nhạc của cậu quay trở lại và đứng đầu các bảng xếp hạng, những MV với lượng view khiêm tốn của cậu trước đây tăng lên chóng mặt vào những ngày này, hình ảnh và những lời ca tụng về cậu phủ kín các mặt báo. Tài năng của cậu cuối cùng cũng được thừa nhận, nhưng lại bằng cái cách vô cùng đớn đau, cái giá cậu phải trả quá đắt.

Từ khi nào, những thứ tốt đẹp trở nên lạ lẫm?

Vũ Cát Tường luôn khao khát mang đến thứ văn hóa thưởng thức âm nhạc thực sự nghiêm túc cho khán giả.
Vũ Cát Tường luôn khao khát mang đến thứ văn hóa thưởng thức âm nhạc thực sự nghiêm túc cho khán giả.

Xã hội càng phát triển, mọi thứ xung quanh chúng ta càng trở nên đáng sợ, thay vì tin tưởng, chúng ta nghi ngờ và canh chừng nhau, bởi thế những cử chỉ tốt đẹp, những việc làm nhân văn lại trở nên lạ lẫm, thậm chí kỳ dị. Khi ra đường, bạn không dễ dàng ăn những thứ được mời từ một người lạ, cũng không dễ đi theo sự chỉ dẫn của ai đó chỉ vì bạn đang lạc đường.

Sự hoài nghi bủa vây cuộc sống của chúng ta, âm nhạc cũng vậy. Có thể nói, khó khăn của người làm nghệ thuật đều bắt nguồn từ chính sự hoài nghi.

Trở lại câu chuyện của V-pop, chúng ta không thiếu các tài năng trẻ, trong số đó có thể kể đến Vũ Cát Tường, Tiên Cookie, Soobin Hoàng Sơn… Họ là đại diện cho thứ âm nhạc hiện đại, văn minh và trong sáng. Nhưng công việc họ đang làm chưa bao giờ dễ dàng bởi họ đều là những nghệ sĩ cầu toàn. Và điều khiến họ khổ sở, vất vả hơn nhiều người khác chính là sự hoài nghi, sự chưa hiểu thấu từ khán giả đại chúng.

Vũ Cát Tường trước kia từng được biết đến với biệt danh nghệ sĩ tạo hit, đỉnh điểm có năm cô đoạt 11 giải thưởng cao quý. Gần đây âm nhạc của cô đã thay đổi rất nhiều, sản phẩm của cô ngày càng thư giãn và hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được trọn vẹn giá trị nguyên bản.

Những khán giả tinh tế đều có thể nhận ra cô đang trưởng thành hơn trong âm nhạc, không ngừng làm khó và thử thách bản thân bằng những trải nghiệm mới.

Nói cách khác, Vũ Cát Tường luôn khao khát mang đến thứ văn hóa thưởng thức âm nhạc thực sự nghiêm túc cho khán giả. Tuy nhiên, sự quá mới mẻ và chau chuốt ấy trở nên xa lạ với số đông. Bản thân Vũ Cát Tường từng nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề thay đổi tư duy trong âm nhạc, đa phần là sự hoài nghi, rằng cô có sợ sản phẩm của mình khó tiếp cận số đông?

Câu hỏi trên xin phép được để ngỏ, bản thân người nghệ sĩ có câu trả lời cho riêng mình, nhưng khán giả cũng phải có giải đáp thỏa đáng cho chính sự hoài nghi của họ. Âm nhạc cũng như con người, chúng ta không ngừng thay đổi, nhưng sự đổi thay ấy phải hướng đến điều tích cực và tốt đẹp.

Chúng ta không thể nghe những bản nhạc sầu thảm, những lời ca vật vã cả đời. Cái tài của nghệ sĩ là biến những cảm xúc đau buồn trở thành sự xoa dịu, an ủi và hi vọng. Nói cách khác, sự văn minh trong âm nhạc là mang đến sự thư giãn và hướng người nghe nghĩ đến những điều tốt đẹp.

Vẫn cứ phải khẳng định một lần nữa, nghệ sĩ chân chính thường là những người cầu toàn, họ chỉ muốn tạo ra thứ âm nhạc đẹp đẽ, sạch sẽ, và tất nhiên, sản phẩm của họ cũng sẽ hướng đến những khán giả cầu toàn, nhưng lượng khán giả ấy có được bao nhiêu người?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc thuỷ đậu. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do mắc thuỷ đậu

GD&TĐ - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đã tiếp nhận bệnh nhân nữ (17 tuổi, Bắc Giang) nguy kịch do mắc thuỷ đậu.