Tại sao ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn du học châu Á?

GD&TĐ -Trong nhiều năm trở lại đây, giáo dục đại học ở châu Á đã tăng trưởng nhanh chóng.

Trường Đại học Quốc gia Singapore là một trong những trường đại học trẻ tốt nhất tại châu Á.
Trường Đại học Quốc gia Singapore là một trong những trường đại học trẻ tốt nhất tại châu Á.

Các cơ sở giáo dục đại học tại khu vực này cũng đang xuất hiện ngày một nhiều trong bảng xếp hạng quốc tế từ các tổ chức giáo dục uy tín như THE, QS, USNews...

Nhắc đến giáo dục đại học châu Á, những cái tên nổi bật thường được kể đến như Singapore, nơi sở hữu những trường đại học phát triển nhanh nhất thế giới hay Trung Quốc, vốn nổi tiếng với Trường ĐH Thanh Hoa, Bắc Kinh...

Các báo cáo gần đây của tổ chức giáo dục THE cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ về số lượng trường đại học trên bảng xếp hạng quốc tế. Đơn cử, 280 trong số 2.000 trường đại học từ hơn 90 quốc gia trong bảng xếp hạng của USNews là của Trung Quốc.

Bên cạnh Singapore, Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á đang bắt kịp xu hướng. Trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới năm 2023 của tổ chức QS, Bangladesh có hai trường lọt tốp. Nhiều trường đại học của khu vực Đông Nam Á cũng góp tên vào bảng xếp hạng năm 2023 của tổ chức THE.

Kéo theo đó, ngày càng nhiều sinh viên quốc tế chọn du học châu Á. 10 trường đại học thu hút nhiều sinh viên quốc tế nhất tại châu Á được đặt tại Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc và Malaysia. Theo các chuyên gia giáo dục đến từ tổ chức Study International, có nhiều nguyên nhân khiến giáo dục đại học châu Á “bùng nổ” trong những năm gần đây.

Đầu tiên, là học phí và sinh hoạt phí thấp. Châu Á là quê hương của các trường đại học rẻ nhất thế giới. Khi cân nhắc cả học phí và chi phí sinh hoạt, Đài Loan chiếm ưu thế vượt trội trong khu vực.

Trung bình một năm, học phí đại học tại Đài Loan là 4.050 USD (khoảng 100 triệu) và chi phí sinh hoạt là 2.900 USD, giúp Đài Loan trở thành một trong những điểm đến du học rẻ nhất thế giới. Trong khi đó, 43 trường đại học tại Đài Loan được xếp hạng thế giới với 5 trường nằm trong tốp 50 (theo bảng xếp hạng của THE).

Lý do thứ hai là nhiều trường đại học châu Á được xếp hạng cao. Tỷ lệ biết chữ ở châu Á đã tăng lên trong những năm qua và nhiều học sinh châu Á đạt điểm xuất sắc trong các kỳ thi quốc tế. Đây là kết quả của hệ thống giáo dục chất lượng, phát triển tại nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Malaysia.

Đơn cử, tại Hàn Quốc, nhiều trường đại học lọt tốp đầu. Trường ĐH Quốc gia Seoul xếp hạng 54 trong bảng xếp hạng của THE và được đánh giá cao trong lĩnh vực nghiên cứu và phương pháp giảng dạy. Còn Trường ĐH Quốc gia Singapore xếp hạng thứ 9 trong danh sách những trường đại học trẻ tốt nhất châu Á, theo Reuters.

Trường ĐH Tokyo xếp hạng 23 còn Nhật Bản xếp thứ 7 trong danh sách thành phố du học năm 2023 của tổ chức QS. Đáng chú ý, phần lớn chương trình giảng dạy trong những trường này là bằng tiếng Anh thay vì ngôn ngữ mẹ đẻ, phù hợp với sinh viên quốc tế.

Một trong những lý do không kém phần quan trọng là sự phong phú về lịch sử, văn hóa và ẩm thực. Bên cạnh giáo dục đại học, sinh viên quốc tế có thể trải nghiệm nhiều điều ở châu Á từ lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, ẩm thực đến văn hóa.

Mỗi quốc gia châu Á đều giàu truyền thống, tín ngưỡng với phong tục tập quán riêng biệt, độc đáo. Điều này tạo cơ hội cho phép sinh viên quốc tế hòa mình vào một nền văn hóa mới, học hỏi ngoại ngữ và tăng cơ hội tìm việc làm.

Theo SI

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ