Tại sao nên và không nên mua điện thoại Trung Quốc

Giá rẻ, cấu hình mạnh là yếu tố giúp smartphone Trung Quốc được nhiều người lựa chọn, nhưng độ bền và yếu tố bảo mật là những điều cần lưu ý trước khi mua.

Tại sao nên và không nên mua điện thoại Trung Quốc

Lý do nên mua:

1. Thiết kế ngày càng đẹp

Mặc dù mang tiếng là sao chép các mẫu điện thoại khác, đặc biệt là các mẫu điện thoại có danh tiếng như iPhone, Galaxy S... không thể phủ nhận rằng một số hãng smartphone Trung Quốc đã nghiêm túc hơn trong khâu thiết kế. Bằng chứng là, rất nhiều sản phẩm với vẻ ngoài đẹp mắt lần đầu xuất hiện có xuất xứ từ Trung Quốc.

Huawei, Xiaomi, Oppo... gần đây đã chăm chút đầu tư hơn cho ngoại hình smartphone. Những sản phẩm của họ hiện đều có thiết kế kim loại chắc chắn, cứng cáp, các chi tiết trên máy cũng được gia công kỹ càng hơn.

Thậm chí, nhiều sản phẩm còn mang tính đột phá. Năm 2014, Oppo từng cho ra chiếc điện thoại với camera xoay N1 mới lạ. Thay vì phải tích hợp thêm camera trước, hãng này đã đưa vào khả năng xoay 206 độ, từ đó người dùng có thể chụp được hình ảnh đẹp hơn. Dù là thay đổi nhỏ, nhưng cách làm này được đánh giá là sáng tạo.

Hay năm ngoái, Xiaomi cũng đã giới thiệu chiếc Mi Mix với viền màn hình siêu mỏng, sử dụng chất liệu gốm bóng bẩy, kiểu dáng vuông vắn nam tính... Đây cũng là smartphone được đánh giá cao về khâu thiết kế.

2. Cấu hình cao, giá rẻ

Không thể phủ nhận việc smartphone Trung Quốc luôn có cấu hình mạnh, nhưng giá bán thấp hơn khá nhiều so với những chiếc điện thoại mang thông số tương tự từ Samsung, Sony, HTC... Có thể giải thích nguyên nhân là do nhân công giá rẻ, linh kiện giá rẻ, sản xuất tại địa phương, được chính phủ hỗ trợ...

Tuy nhiên, gần đây những sản phẩm đến từ quốc gia này cũng được tích hợp linh kiện cao cấp. Vi xử lý là một ví dụ. Không ít thiết bị như Mi Mix dùng chip Snapdragon 821, OnePlus 3 với chip Snapdragon 820, hay bộ đôi Vivo X7 và X7 Plus tầm trung cũng được trang bị chip Snapdragon 652...

Những điện thoại Trung Quốc hiện cũng được nâng cấp RAM khá cao, rất nhiều mẫu có RAM 3 GB như Xiaomi Mi4; 4 GB như Huawei GR5 (2017), thậm chí là 6 GB như LeEco Le Pro 3. Tuy nhiên, giá của chúng không hề đắt, với 170 USD, 250 USD và 400 USD tương ứng.

3. Nhiều tính năng phục vụ đa số người dùng

Có thể smartphone Trung Quốc không có nhiều sản phẩm đột phá, nhưng họ có khả năng nắm bắt xu hướng của người dùng khá tốt. Ví dụ: tích hợp những khả năng làm đẹp cho camera trước smartphone, giúp những hình ảnh chụp được đẹp hơn so với thực tế.

Nguồn pin cũng là yếu tố được nhà sản xuất Trung Quốc lưu ý. Những smartphone đầu tiên có viên pin trên 4.000 mAh đều có xuất xứ từ Trung Quốc (như Oppo R7 Plus hay Huawei MediaPad T1 pin 4.100 mAh). Bên cạnh đó, các tính năng như tiết kiệm pin, sạc nhanh... cũng dần được tích hợp, như công nghệ VOOC của Oppo.

Trước đây, tính năng 2 sim 2 sóng chủ yếu được "gắn mác" điện thoại Trung Quốc. Thế nhưng, giờ đây nó được áp dụng cho rất nhiều mẫu điện thoại của Samsung, Sony, LG... cho thấy các công ty tại thị trường đông dân nhất thế giới vẫn biết đón đầu xu hướng.

Ngoài ra, các yếu tố như màn hình lớn với chất lượng hiển thị ngày càng được nâng cấp, giao diện mới dựa trên Android mang lại thao tác đơn giản, hầu hết đã tích hợp kết nối 3G/4G... cũng được chú trọng, giúp smartphone Trung Quốc ngày càng hấp dẫn hơn.

Lý do không nên mua

1. Không phải thiết bị nào cũng có chất lượng tốt

Trừ một số hãng sản xuất nghiêm túc với các sản phẩm của mình, không ít nhà sản xuất khác tìm cách đạo nhái sản phẩm, sao cho giống với smartphone của các hãng nổi tiếng càng nhiều càng tốt, thay vì chăm lo chất lượng bên trong.

Hầu hết chúng đều có xuất xứ không rõ ràng, hàng dựng... chủ yếu để đánh lừa những người dùng không am hiểu.

Bên cạnh đó, để cắt giảm chi phí, không ít nhà sản xuất đưa vào linh kiện giá rẻ, kém chất lượng... Đây cũng là lý do vì sao smartphone Trung Quốc có cấu hình mạnh, nhưng sẽ "yếu" hẳn sau khi dùng một thời gian.

Đối với những sản phẩm dạng này, tình trạng "đơ" máy, loạn cảm ứng, đột tử... là khó tránh khỏi khi sử dụng. Đó là chưa kể tình trạng bề ngoài bị bong tróc, gây dị ứng da do dùng chất liệu giá rẻ, độc hại.

Nghiêm trọng hơn, do các linh kiện không được kiểm tra kỹ, đặc biệt là pin, nguy cơ cháy nổ là hiện hữu. Không ít trường hợp điện thoại Trung Quốc phát nổ gây thiệt hại về người và của đã chứng minh điều đó.

2. Nguy cơ bảo mật

Hiện nay, hầu hết smartphone đều có nguy cơ về bảo mật. Tuy nhiên, nếu như Apple, Samsung... vẫn đưa vào các tính năng bảo vệ người dùng khỏi bị theo dõi, nghe lén, ngăn chặn virus xâm nhập... thì đối với các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc, việc tích hợp khả năng này gần như để trống. Đa số các sản phẩm Trung Quốc hiện nay, việc tập trung cho cấu hình, tính năng được chú trọng nhiều hơn.

Thậm chí, nhiều điện thoại Trung Quốc được cho là cố ý cài vào các phần mềm gián điệp. Theo GSMArena, cuối 2016, mẫu điện thoại Xiaomi Redmi Note tự động kích hoạt chế độ gửi dữ liệu về máy chủ đặt tại Trung Quốc;

Hay trước đó là Star N9500 bị phát hiện cài sẵn trojan Uupay.D có thể thu thập, sao chép thông tin cá nhân, tự động ghi âm cuộc gọi, kích hoạt micro trên máy để nghe lén hay gửi tin nhắn tới các dịch vụ thu phí khiến người tiêu dùng hoang mang.

Theo báo cáo của hãng bảo mật G Data, tính đến tháng 7/2016, đã có hơn 26 smartphone Trung Quốc bị phát hiện cài sẵn phần mềm độc hại trước khi được bán ra thị trường, bao gồm cả các thương hiệu đang bày bán tại Việt Nam như Lenovo, Huawei và Xiaomi... cho thấy mối nghi ngờ không phải là không có cơ sở.

3. Phần mềm

Ngoại trừ những nhà sản xuất bán ra sản phẩm chính hãng tại Việt Nam, đa phần điện thoại Trung Quốc bị hạn chế về phần mềm, trong đó có việc không thể cài các dịch vụ của Google, kể cả Play Store.

Điều này buộc người dùng phải tìm đến các bản ROM trên mạng Internet, và đây cũng là nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu do những gói phần mềm này dính virus, malware...

Kể cả các máy chính hãng, phần mềm vẫn chưa được các công ty Trung Quốc chăm lo đúng mức. Không nhiều máy được cập nhật sau khi dính lỗi bảo mật, buộc người dùng hoặc phải "sống chung", hoặc phải vứt bỏ thiết bị. Dù vậy, tình trạng này vẫn xảy ra với các nhà sản xuất smartphone Android khác, kể cả Samsung, HTC hay Asus.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...