Tại sao Hạm đội Biển Đen liên tục chịu tổn thất lớn về tàu chiến?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 26/12/2023 lại trở thành một thời khắc buồn nữa đối với Hạm đội Biển Đen, khi tàu đổ bộ Novocherkassk bị phá hủy ngay tại cảng.

Tại sao Hạm đội Biển Đen liên tục chịu tổn thất lớn về tàu chiến?

Hiện tại, phía Nga đã chính thức xác nhận rằng vào đêm 26/12, cảng Feodosia đã bị máy bay chiến thuật Ukraine tấn công.

Cuộc tấn công dường như được thực hiện bởi tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG của Anh - Pháp, có tầm bắn lên tới 1.000 km.

Báo chí nhanh chóng biết được con tàu bị hư hỏng nặng, cháy và chìm ngay tại nơi neo đậu. Theo một số báo cáo, nó có thể chở hàng hóa quân sự có giá trị, đó là máy bay không người lái tấn công loại Shahed-136 nhập từ Iran.

Cần nhấn mạnh Novocherkassk không phải là tàu chiến đầu tiên của Hạm đội Biển Đen bị bắn chìm, thậm chí còn không phải là tàu đổ bộ lớn thứ hai.

Chúng ta hãy nhớ lại rằng vào ngày 24/3/2022, một số tàu đổ bộ lớn của Nga tại cảng Berdyansk đã bị bắn khi đang dỡ hàng.

Trong đó tàu Tapir BDK thuộc Dự án 1171, còn gọi là Saratov, bị hư hỏng nặng và chìm tại cảng. Những con tàu còn lại có thể ra khơi và dập tắt đám cháy đã bùng phát.

Tháng 8 năm ngoái, một tàu cảm tử của Ukraine đã đâm vào mạn tàu đổ bộ cỡ lớn Olenegorsky Gornyak đang đóng quân ở vị trí gần Novorossiysk.

Vào ngày 13/9/2023, tàu đổ bộ Minsk bị trúng tên lửa hành trình khi đang ở ngay trong ụ tàu của nhà máy ở Sevastopol.

Cùng với đó, tàu ngầm điện-diesel Rostov-on-Don đóng tại đây cũng bị bắn hỏng. Và đây không phải là danh sách đầy đủ những tổn thất của Hải quân Nga trong vòng chưa đầy hai năm.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk bốc cháy sau khi trúng tên lửa.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk bốc cháy sau khi trúng tên lửa.

Một loạt các sự kiện như vậy có thể xảy ra vì Ukraine vẫn có quyền tiếp cận Biển Đen. Do những tính toán sai lầm chiến lược, vào mùa thu năm 2022, quân Nga đã phải rời Kherson và đầu cầu quan trọng nhất ở hữu ngạn sông Dnieper.

Kết quả là Kyiv có khả năng sử dụng tàu không người lái trên mặt nước và bây giờ là dưới nước, để tấn công tàu chiến và cơ sở hạ tầng ven biển của Nga trên bờ Biển Đen.

Khi Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận được tên lửa hành trình tầm xa do Anh - Pháp sản xuất và trong tương lai là tên lửa đạn đạo của Mỹ, Bộ Quốc phòng Nga buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn là sơ tán các tàu mặt nước của Hạm đội Biển Đen khỏi căn cứ chính ở Sevastopol đến Novorossiysk, Feodosia và thậm chí cả Abkhazia.

Tuy nhiên có thể thấy từ các sự kiện mới đây, điều này không giúp ích được gì nhiều. Các máy bay Su-24 của Ukraine đã có thể tiếp cận tàu đổ bộ Novocherkassk ngay cả từ phía bên kia bờ biển Crimea, ở Feodosia.

Vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng liệu chúng chỉ đến từ đất liền, tại nơi mà lực lượng phòng không Crimea khi đó đang quan sát, hay bằng cách nào đó đã tiếp cận bí mật từ hướng biển, bỏ qua toàn bộ bán đảo.

Rõ ràng không có nơi neo đậu thực sự an toàn nào trên Biển Đen cho Hải quân Nga, trong khi Kiev có quyền tiếp cận biển và được các nước NATO cung cấp vũ khí.

Đáng lo ngại hơn khi biết rằng Ukraine đang phát triển các phiên bản tên lửa chống hạm Neptune mạnh hơn và có tầm bắn xa hơn, loại tên lửa này cũng có thể hoạt động từ chiến đấu cơ. Vậy Nga nên làm gì tiếp theo?

Câu trả lời đơn giản nhất nhưng khó thực hiện nhất là cắt đứt Ukraine khỏi Biển Đen, chiếm các thành phố Nikolaev, Krivoy Rog và Odessa. Tuy nhiên kế hoạch này rõ ràng bất khả thi trong tình hình hiện tại và phải có phương cách khác.

Đầu tiên, có lẽ đã đến lúc đặt ra câu hỏi về phản ứng của Bộ chỉ huy Hạm đội Biển Đen đối với những gì đang xảy ra trong khu vực trách nhiệm của họ và tất cả những tổn thất lẽ ra có thể tránh được.

Thứ hai, cần tăng cường khả năng phòng không của bán đảo Crimea, lực lượng hàng không hải quân Nga phải có vai trò lớn hơn và điều động bổ sung các tàu mặt nước tới Biển Đen dọc theo các tuyến đường thủy nội địa để tăng cường.

Đây chủ yếu là các tàu tên lửa nhỏ thuộc loại Karakurt, có hệ thống phòng không tốt, đi kèm tàu đổ bộ nhỏ và tàu chống ngầm cũng như tàu quét mìn. Hạm đội Baltic cũng có thể đóng vai trò hỗ trợ cho Hạm đội Biển Đen.

Thứ ba, trong tương lai, tất cả các tàu chiến đang được Nga đóng, từ tàu đổ bộ cỡ lớn đến tàu phá băng tuần tra, đều phải được trang bị ít nhất một loại hệ thống phòng không hiện đại nào đó để tự vệ.

Khoảng khắc tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk bốc cháy dữ dội sau khi trúng tên lửa.
Theo Reporter

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.