Tài năng cần được phát hiện sớm, bồi dưỡng bài bản

GD&TĐ - Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó giáo sư-Tiến sĩ-Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thì yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu. 

PGS.TS.NS Đỗ Hồng Quân.
PGS.TS.NS Đỗ Hồng Quân.

Vì vậy, tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chu đáo.

Đời sống văn hóa nghèo nàn, sa sút

LTS: Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói nếu mất văn hóa thì phải mất nhiều thế hệ để khắc phục, thậm chí là sụp đổ. Khẳng định văn hóa là con người, Phó Thủ tướng cho rằng để chấn hưng văn hóa thì phải bắt đầu bằng giáo dục: “Phải  thực hiện bằng được đổi mới căn bản giáo dục, phải  cầu thị và rất kiên trì”.
Báo Giáo dục và Thời đại mở ra Diễn đàn “Chấn hưng văn hóa từ giáo dục”, thể hiện các ý kiến, những đóng góp từ các chuyên gia giáo dục, các nhà văn hóa, nhà quản lý, thầy cô giáo; cùng những bài  học từ các  nhân vật lịch sử, câu chuyện giàu ý nghĩa trong lịch sử hàng nghìn năm của đất nước ta.

Theo đánh giá của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ, khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và suy ngẫm. Sau khoảng thời gian khởi sắc với những thành tựu đáng ghi nhận, nền văn học - nghệ thuật nước nhà từng bước chuyển sang giai đoạn khá trầm lắng.

Tuy ở mỗi lĩnh vực, đội ngũ văn - nghệ sĩ đều có cố gắng, có những thành tựu, đóng góp, nhưng với tinh thần cầu thị, trách nhiệm nghề nghiệp, phải thẳng thắn thừa nhận sự thật là những thành tựu văn học - nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước và không xứng tầm với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ kính yêu từng gửi gắm, giao phó.

Có thể nhận thấy rõ hơn tình hình trên qua những biểu hiện cụ thể. Một là, nền văn học - nghệ thuật chưa phản ánh được thật sinh động, đầy đủ thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong hầu hết các lĩnh vực không có hoặc chỉ có rất ít các công trình, tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại.

Hai là, nền văn học - nghệ thuật của ta chưa hoàn thành được sứ mệnh cao cả là làm ngọn đuốc nhân văn, ngọn đuốc trí tuệ và văn hóa soi lối, dẫn đường cho cộng đồng xã hội trong việc kiến tạo những giá trị, lối sống lành mạnh, tiến bộ.

Trong khi những cái đẹp, cái tốt, những cái chân, thiện, mỹ chưa được cổ vũ, chưa được tiếp sức đủ mạnh mẽ, đủ thường xuyên, liên tục thì lại có không ít trường hợp lạc hướng, trực tiếp hay gián tiếp sa vào việc tuyên truyền cho cái xấu, cái lệch chuẩn, cái lạc hậu…

Ba là, nền văn học - nghệ thuật nước nhà đã tỏ ra bỡ ngỡ, lúng túng và bị động trong quá trình hội nhập quốc tế, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân, tăng cường “kháng thể văn hóa” của dân tộc, khiến cho việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài bị sa vào xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, điện ảnh, báo chí, mạng xã hội… Điều này khiến cho môi trường văn hóa nghệ thuật nước nhà bị xâm thực khá nghiêm trọng.

Trong khi đó, chúng ta lại chưa có những giải pháp đủ mạnh và hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ba quá trình trên đã đồng thời tác động trong một thời gian khá dài, khiến cho diện mạo chung của đời sống văn hóa, nhất là văn học - nghệ thuật trở nên sa sút, nghèo nàn, thậm chí biến dạng, với nhiều biểu hiện đáng lo ngại.

Phát hiện sớm, đầu tư bài bản cho tài năng

Cần tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng của mình và đóng góp to lớn hơn, chất lượng hơn cho xã hội, cho đất nước. Ngày trước, thế hệ cha anh họ tôi luyện trong khói lửa chiến trường, trong phong trào cách mạng quần chúng và trưởng thành nhanh chóng, dẫu có nhiều người đã ngã xuống trên các mặt trận.
Hiện nay, thế hệ văn nghệ sĩ trẻ lại phải tôi luyện trong kinh tế thị trường, trong thế giới toàn cầu hóa, trong xã hội đa lựa chọn và giữa bao nhiêu trận tuyến vô hình, cạnh tranh khốc liệt. Trong điều kiện đó, rõ ràng là họ phải được định hướng tốt hơn, hỗ trợ nhiều mặt và thiết thực hơn, với những đòi hỏi cao hơn và nghiêm khắc hơn - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Trong những giải pháp đưa ra nhằm chấn hưng văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng, PSG.TS Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh đến yếu tố con người. Theo ông, thì suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra.

Phải nói ngay rằng, yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ, vì thế mà văn nghệ sĩ xưa nay đều được coi là “của hiếm” trong nhân gian.

Tài năng, năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo. Cùng với đó, tài năng ấy phải được bảo vệ, tôi luyện, trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội.

“Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kiến nghị.

Theo  Phó giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, cần tăng cường tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện sớm. Cùng với đó, Nhà nước tăng cường đầu tư để các học viện, nhà trường có thêm những điều kiện thuận lợi đào tạo liên tục, lâu dài các em học sinh có tài năng, năng khiếu…

Khi các tài năng đã được nhìn nhận, đánh giá thì tạo điều kiện để các em được đào tạo ở những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, như thế hệ cha anh ngày trước từng được đào tạo.

Cuối cùng, đó chính là vai trò chủ thể, là trách nhiệm tự thân của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà. Gần 600 năm trước, vào năm Đinh Tỵ (1437) khi được Hoàng đế Lê Thái Tông giao cho việc định lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã tâu rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”.

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng và dân tộc đang được đẩy tới tầm cao mới trong bối cảnh thế giới đang tiến những bước khổng lồ vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ, cách mạng công nghiệp mới và toàn cầu hóa sâu rộng.

Toàn dân tộc đang chung sức đồng lòng, chung tay gắng sức vượt qua đại dịch Covid-19 và muôn vàn khó khăn gian khổ, khơi dậy ý chí quật cường, khát vọng phát triển và hào khí non sông để quyết đưa đất nước ta thành một nước công nghiệp phát triển, phồn vinh hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI. Như thế là đang hội đủ cả “gốc” và cả “văn” cho một nền văn hóa mới, một nền văn học nghệ thuật mới. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ