Ngót nghét 30 năm gắn bó với sân khấu kịch, NSƯT Trần Đức tham gia gần 60 vở diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Tuy nhiên, khán giả lại nhớ đến ông nhiều hơn qua những vai diễn trên truyền hình. Ông nổi tiếng với những vai phản diện, ông trùm xã hội đen độc đoán, tham lam trong Giọt nước rơi, Đầm lầy bạc hay Chạy án.
Mới đây, Trần Đức tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ (phát sóng ngày 2/10) cùng người em, người bạn lâu năm - Phạm Dương và các học trò. Khác với vẻ "dự tợn" trên màn ảnh, Trần Đức ngoài đời rất vui vẻ, xì tin khi giao lưu cùng khán giả.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp diễn xuất, NSƯT cho biết ông từng gặp sự cố nghiêm trọng khi đóng bộ phim Bốn người còn lại.
Trong phim, Trần Đức vào vai một giám đốc tham nhũng và tìm mọi cách ngăn chặn, đe dọa nhà báo không được phanh phui sự thật. Ở phân cảnh đối diện với nhà báo, cũng là một lính đặc công trở về, nhân vật do Trần Đức đảm nhận bị người kia nhét chiếc cổ gà vào mồm. Do cả hai diễn quá đạt, ông bị xương gà đâm chảy máu cổ họng.
"Không nói không rằng, anh ta bóp mồm tôi há ra và vặn cổ gà tống vào mồm. Động tác ấy quá mạnh, cổ gà lại có xương nên đâm thẳng vào cuống họng tôi.
Sau khi diễn, tôi rất đau. Nhưng cái đầu gà vẫn ở mồm mình và phải đợi hết cảnh. Đến lúc đạo diễn hô dừng, tôi lôi đầu gà ra, máu cứ thế tuôn" - Nghệ sĩ nhớ lại.
Trần Đức nói thêm, ngay lập tức trợ lý của đoàn phim phải lấy rượu cho ông súc miệng để sát trùng, đề phòng bị viêm. May mắn, cổ họng ông trở lại bình thường sau khoảng 2 ngày.
Với nghệ sĩ Trần Đức, khi diễn vai phản diện, ánh mắt đóng vai trò quan trọng nhất. Nhưng từng cái nhún vai, ngoắc tay của nhân vật đều mang ý nghĩa, không cần đến lời nói.
Ông cho rằng điều quan trọng nhất với người nghệ sĩ chính là sự chân thực: "Lúc nào cũng phải dán hai chữ chân thực lên trán, phải đọc để hiểu từng suy nghĩ, tâm tình, lý lịch của nhân vật. Chân thực thì mới khóc và sâu cay được".
Nghệ sĩ Trần Đức tham gia chương trình cùng người bạn lâu năm. Ảnh: BTVV |
Ngoài vai trò diễn viên, nghệ sĩ Trần Đức hiện là giảng viên ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Ông được học trò nhận xét là người thầy nghiêm khắc nhưng gần gũi và thân thiện.
Trần Đức chia sẻ, ông gắn bó với sự nghiệp giảng dạy được 10 năm và đào tạo nhiều lứa nghệ sĩ trẻ. Tiêu chí ông đặt lên hàng đầu là vừa dạy, vừa học.
"Đã là giáo viên phải tận tụy với học trò của mình. Không những thế, phải luôn luôn tìm hiểu văn hóa của thế giới để truyền cho các em những điều mới, chứ không phải chỉ lải nhải những giáo án cũ rích" - nghệ sĩ nói.
Bên cạnh những tâm sự về nghiệp diễn, trong chương trình Bữa trưa vui vẻ, Trần Đức còn khiến khán giả bất ngờ khi thể hiện năng khiếu ca hát.
Nghệ sĩ tiết lộ, ban đầu ông từng mơ làm ca sĩ nhưng sau đó nhận ra giọng của mình chỉ phù hợp hát tốp ca. Tuy nhiên, cũng nhờ "giọng hát tương đối", ông được ban giám khảo chú ý khi thi vào Nhà hát Kịch Hà Nội hồi năm 1971.