Xác định điểm đen
Ngày 23 và 24/7 vừa qua, Quốc lộ 5 đoạn qua huyện Kim Thành (Hải Dương) đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Trước đó, tuyến đường này cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến vụ tai nạn hồi đầu năm khiến 11 người thương vong. Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, dọc tuyến Quốc lộ 5 xuất hiện nhiều vệt hằn lún. Nhiều đoạn lún sâu và kéo dài hàng chục mét. Trong khi đó, tốc độ tối đa dành cho xe con tại những đoạn đường này vẫn lên đến 90 km/h.
Không chỉ có vậy, đoạn qua huyện Kim Thành (Hải Dương) xuất hiện nhiều lối sang đường. Trong đó, không ít là lối sang do người dân tự mở. Hiện trường vụ tai nạn xảy ra hôm 23/7 cũng là một điểm do người dân tự mở. Theo nhiều người dân ở huyện Kim Thành, dù biết nguy hiểm nhưng họ vẫn chọn lối mở do thiếu cầu vượt sang đường.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn hôm 23/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có cuộc họp với UBND tỉnh Hải Dương. Tại cuộc họp đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã xác định Quốc lộ 5 qua huyện Kim Thành là điểm đen giao thông. Theo ông Thể, cần nghiên cứu lại các vị trí có mặt bằng, nếu có thể làm được đường riêng cho xe 2 bánh và người đi bộ thì dùng Quỹ Bảo trì đường bộ xử lý. Vị trí giao cắt nào nhu cầu đi lại lớn thì làm cầu vượt cho người đi bộ, xe đạp qua đường.
Lưu lượng quá tải gấp 4 - 5 lần
Là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 5 hiện đạt trung bình 56.000 xe mỗi ngày đêm với hơn 50% là xe tải trọng lớn. Ông Vũ Đức Hạnh - Trưởng phòng Pháp chế An toàn (Sở GTVT Hải Dương) cho biết: “Quốc lộ 5 đang có lưu lượng phương tiện lớn gấp 4 lần cho phép và chủ yếu là xe tải trọng lớn. Việc mặt đường xuống cấp là không thể tránh khỏi”. Theo ông Hạnh, Quốc lộ 5 tương đương với Quốc lộ loại 2 nên có lưu lượng phương tiện quy định từ 5.000 - 15.000 phương tiện/ngày/đêm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương QL5; QL18; QL38 vẫn do Cục Quản lý đường bộ I thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Địa phương không được phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các tuyến quốc lộ này nên không có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, kiểm soát tải trọng xe. Sở GTVT Hải Dương đã có kiến nghị ủy quyền về cho địa phương quản lý nhưng vẫn chưa có kết quả.
Nói về các vụ tai nạn vừa xảy ra, ông Hạnh cho rằng, một vụ tai nạn do rất nhiều yếu tố tạo nên. Trong đó phải kể đến tình trạng tự phá dỡ rào. Về tình trạng trên, ông Hạnh cho biết Quốc lộ 5 do Bộ GTVT quản lý nên chính quyền địa phương không có thẩm quyền xử lý. Nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương đã đề xuất chuyển Quốc lộ 5 về cho địa phương quản lý nhưng chưa được chấp thuận. Theo ông Hạnh, Hải Dương cũng đã kiến nghị làm đường gom 4 km đi dọc đường sắt để xóa 100 điểm giao cắt với đường sắt trên Quốc lộ 5, tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng nhưng chưa được cấp trên phê duyệt.
Trao đổi với Báo GD&TĐ,ông Nguyễn Văn Huỳnh - Trưởng Ban quản lý bảo trì Quốc lộ 5 thuộc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho hay, Vidifi đã lập dự án cải tạo mặt đường Quốc lộ 5 từ Km 46 đến Km 76, còn những điểm xuống cấp không tập trung vẫn đang được bảo trì thường xuyên. Tuy nhiên, ông Huỳnh cũng khẳng định việc lưu lượng giao thông quá lớn khiến việc bảo trì gặp nhiều khó khăn. “Thời gian tới sẽ rà soát để tổ chức lại giao thông trên Quốc lộ 5, đóng một số điểm mở không bảo đảm an toàn và thay thế bằng cầu vượt”, ông Huỳnh cho biết.
|
Tai nạn nhiều không phải do tốc độ
Liên quan đến những vụ tai nạn xảy ra tại huyện Kim Thành vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ rà soát và cắm biển hạn chế tốc độ tại một số điểm đen giao thông trên toàn tuyến. Tuy nhiên, phương án trên chỉ được coi là tạm thời. Trung tá Nguyễn Văn Khánh - Trạm trưởng Trạm CSGT Hải Dương cho biết: “Mặc dù tốc độ tối đa quy định là 90 km/h nhưng không có phương tiện nào có thể đi với tốc độ đó”. Theo Trung tá Khánh, nguyên nhân xảy ra tai nạn trên địa bàn huyện Kim Thành là do có quá nhiều lối mở sang đường trong khi lại thiếu biển cảnh báo nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, nguyên nhân của những vụ tai nạn vừa qua trên Quốc lộ 5 không phải do tốc độ. “Thời điểm trước khi gây ra vụ tai nạn hôm 23/7, xe tải có tốc độ 62 km/h nên không vượt quá tốc độ cho phép”, ông Thanh phân tích. Trước quyết định cắm biển hạn chế tốc độ, ông Thanh cho rằng làm vậy sẽ ảnh hưởng tới thời gian vận chuyển hàng hoá, kéo lùi sự phát triển của giao thông.
Theo ông Thanh, Quốc lộ 5 có đủ bề rộng để làm đường cao tốc. Việc cắm biển hạn chế tốc độ chỉ được coi là giải pháp tạm thời. Các vụ tai nạn gần đây gồm nhiều nguyên nhân như: Biển báo không đủ, mặt đường xuống cấp, ý thức người dân và cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của người lái xe.
Ông Thanh phân tích thêm: “Cụ thể trong vụ tai nạn vừa qua, lỗi ở lái xe nhưng không phải do tốc độ. Nguyên nhân có thể do phanh xe gặp vấn đề, không kịp phanh nên đánh lái để tránh xe container và xảy ra tai nạn”. Nói thêm về trách nhiệm trong vu tai nạn đó, ông Thanh cho rằng không thể bỏ qua việc lực lượng chức năng đặt biển cảnh bảo nguy hiểm quá gần hiện trường. “Nếu đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở khoảng cách xa thì đã không xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên”, ông Thanh bức xúc. Về việc cắm biển hạn chế tốc độ, ông Thanh tỏ rõ quan điểm không đồng tình bởi sẽ kéo lùi sự phát triển của giao thông.