Tài liệu mật liên quan đến Saigon Co.op: “Mua thông tin” từ người bán tạp hóa

GD&TĐ - Ông Diệp Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, bị cho là “mua thông tin” về quá trình cơ quan điều tra xác minh sai phạm tại đơn vị mình.

Một siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op.
Một siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op.

Cơ quan điều tra xác định, một người phụ nữ đã cung cấp cho ông Dũng một số thông tin chứa tài liệu mật là kết quả xác minh vụ Saigon Co.op.

“Chiếm đoạt tài liệu, bí mật Nhà nước”

Cơ quan an ninh điều tra (CQĐT) Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” do Nguyễn Hoài Bắc (nguyên cán bộ công an TPHCM), Lê Thị Phương Hồng (kinh doanh tạp hóa) và Diệp Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Coop) thực hiện.

Đồng thời, CQĐT chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án, đề nghị Viện KSND TPHCM truy tố đối với bị can Bắc, Hồng về tội “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và bị can Dũng về tội “chiếm đoạt tài liệu, bí mật Nhà nước”.

Theo kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung, ngày 28/9/2020, CQĐT làm việc với ông Diệp Dũng về nội dung sai phạm tại tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op). Ông Dũng cho biết có người đã cung cấp thông tin liên quan đến quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm cho mình.

Căn cứ lời khai của ông Dũng, CQĐT làm việc với cán bộ tham gia xác minh vụ việc, phát hiện ông Nguyễn Hoài Bắc (thành viên tổ xác minh) đã làm lộ thông tin. Còn người tiết lộ các tài liệu điều tra cho ông Dũng là bà Lê Thị Phương Hồng.

Theo hồ sơ vụ án, bị can Nguyễn Hoài Bắc có quan hệ tình cảm và sống chung như vợ chồng với bà Lê Thị Phương Hồng. Tháng 7/2020, Bắc có kể cho Hồng nghe một số thông tin liên quan tới vụ án Saigon Co.op.

Bị can Hồng biết ông Diệp Dũng là Chủ tịch Saigon Co.op và bạn trai đang tham gia tổ xác minh dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op. Lợi dụng lúc bạn trai ngủ say, người phụ nữ này ghi lại số điện thoại của ông Dũng và sao chép các tài liệu để liên hệ, cung cấp thông tin liên quan tới người này trong quá trình điều tra, xác minh sai phạm tại Saigon Co.op.

Mục đích của bà Hồng là muốn ông Dũng giới thiệu cho các mối cung cấp hàng hóa rẻ (Hồng bán tạp hóa, trước đây có nhiều năm công tác trong ngành công an), để tiện cho việc kinh doanh kiếm thêm thu nhập.

Tháng 9/2020, bà Hồng chủ động liên hệ với ông Dũng làm quen và gửi một số thông tin quan trọng liên quan đến ông này bị điều tra sai phạm tại Saigon Co.op. Sau thời gian liên lạc qua điện thoại, ông Dũng gặp bà Hồng.

Sau đó, 2 người gặp nhau, trao đổi nội dung liên quan sai phạm của ông Dũng dẫn đến việc Saigon Co.op bị truy thu thuế. Tiếp sau đó, ông Dũng nhờ tài xế của mình gặp bà Hồng và đưa phong bì. Khi về nhà, người phụ nữ này mở ra có lá thư và 100 triệu đồng.

CQĐT xác định bà Hồng đã cung cấp cho ông Dũng một số thông tin chứa tài liệu mật là kết quả xác minh vụ sai phạm tại Saigon Co.op. Ngoài vụ án này, cuối năm ngoái ông Diệp Dũng bị Công an TPHCM khởi tố về tội lạm quyền trong thi hành công vụ.

Theo đó, Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TPHCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán TP. Từ đó đến nay, Saigon Co.op 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Đến nay Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trong cả nước.

Thanh tra TPHCM hồi tháng 7/2020 cho rằng có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng và đề nghị UBND thành phố chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.

Cụ thể, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5 - 6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Bất thường về việc huy động vốn

Bị can Diệp Dũng.
Bị can Diệp Dũng.

Quá trình xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm theo Kết luận của Thanh tra TPHCM về việc chấp hành quy định pháp luật tại Saigon Co.op, CQĐT xác định ông Dũng có những sai phạm nên bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra.

Theo Kết luận của Thanh tra TPHCM, Saigon Co.op có sai phạm trong quá trình tăng vốn. Cụ thể, việc tăng vốn điều lệ năm 2014 không được thể hiện tại biên bản đại hội thành viên. Số vốn 2.328 tỷ đồng từ nguồn vốn tích lũy thuộc sở hữu chung không chia của Saigon Co.op được dùng để tăng vốn điều lệ là không đúng với Luật Hợp tác xã về vốn điều lệ.

Năm 2015, HĐQT Saigon Co.op thống nhất tăng vốn điều lệ nhưng nội dung này không được trình và thông qua tại Đại hội thành viên, vi phạm Luật Hợp tác xã. Cụ thể, số vốn 3.180 tỷ đồng từ vốn tích lũy thuộc sở hữu chung không chia của Saigon Co.op được dùng để tăng vốn điều lệ là không đúng với Luật Hợp tác xã.

Trong năm 2020, Saigon Co.op tăng vốn điều lệ 3.597 tỷ đồng, tuy nhiên lại chưa xây dựng phương án huy động vốn trình đại hội thành viên thông qua.

Việc huy động vốn đã thực hiện trước khi diễn ra Đại hội thành viên bất thường lần 1 ngày 30/1/2020. Đại hội diễn ra ngày 30/1/2020 nhưng thực tế việc huy động vốn đã thực hiện từ ngày 12/12/2019 và kết thúc vào ngày 20/1/2020.

Có 20/26 hợp tác xã thành viên góp vốn, trong đó hợp tác xã góp vốn cao nhất là 952 tỷ đồng và thấp nhất là 50 triệu đồng. 26 thành viên được Thanh tra thành phố mời lên làm việc để làm rõ nguồn vốn góp nhưng các thành viên này không cung cấp được các hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra.

Thanh tra TPHCM cho rằng, có đơn vị hoạt động kinh doanh mức lợi nhuận sau thuế đạt từ 5 đến dưới 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn. Trong khi đó, phần lớn các hợp tác xã lợi nhuận đạt được sau thuế từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp vốn với vốn góp lên tới hàng trăm tỷ đồng là điều không bình thường.

“Có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến sở hữu tài sản chung không chia và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Việc này có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, theo kết luận của Thanh tra TPHCM.

Liên quan đến vụ việc, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng xác định ông Diệp Dũng đã tổ chức chỉ đạo huy động tăng vốn trái pháp luật, tổ chức Đại hội Thường niên trái pháp luật, thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo.
Trước khi chuyển về công tác tại Saigon Co.op, ông Diệp Dũng là Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM, từng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận. 
Đầu tháng 11/2020, ông Dũng được điều động về Công ty TNHH MTV Xổ sổ kiến thiết TPHCM.
Ngày 16/12/2020, ông Diệp Dũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.