Tài liệu giáo dục địa phương: Bồi đắp tình yêu quê hương đất nước

Tài liệu giáo dục địa phương: Bồi đắp tình yêu quê hương đất nước

Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang.

Những vấn đề cốt yếu

- Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa... trình UBND tỉnh phê duyệt. Tỉnh cũng thành lập Ban Biên soạn, Ban Thẩm định tài liệu giáo dục địa phương để bảo đảm chất lượng.

Theo đó, Ban Biên soạn xây dựng ma trận nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt của tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học và trung học. Trong đó thể hiện các mạch nội dung, yêu cầu năng lực cần đạt, tính kết nối với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tài liệu này cũng phải bảo đảm tích hợp ngang trong từng lớp học và tích hợp dọc theo từng cấp học; Đồng thời đáp ứng quan điểm tích hợp và phân hóa của chương trình giáo dục phổ thông. Hiện Ban Biên soạn cơ bản viết xong tài liệu và đang tiến hành tự rà soát, bổ sung, chỉnh sửa (nếu cần) để chuẩn bị tổ chức thẩm định.

- Tiêu chí để biên soạn tài liệu giáo dục địa phương là gì, thưa ông?

- Tài liệu giáo dục địa phương phải bảo đảm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng an ninh... của tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, tài liệu này phải được biên soạn, ban hành và tổ chức thực hiện thống nhất, có tính liên thông, không trùng lặp về nội dung giữa các lớp học, phù hợp với tài liệu hướng dẫn dạy học các môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặt khác, phải có tính mở để giáo viên và học sinh vận dụng, cập nhật, bổ sung các thông tin mới phù hợp với mỗi lớp học, địa phương trong tỉnh. Tài liệu cũng phải bảo đảm tính phù hợp với nhận thức của học sinh từng cấp học, lớp học và phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương trong tỉnh.

Tài liệu giáo dục địa phương: Bồi đắp tình yêu quê hương đất nước ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang. Ảnh: TG

- Nội dung giáo dục của địa phương sẽ tập trung vào những vấn đề cốt yếu nào?

- Nội dung giáo dục địa phương tập trung chủ yếu vào các vấn đề về lịch sử, truyền thống, văn hóa như: Lịch sử hình thành và phát triển; Danh nhân văn hóa; Di tích lịch sử; Bảo tàng; Lễ hội truyền thống; Các loại hình nghệ thuật truyền thống, văn hóa nghệ thuật dân gian; Truyền thống quê hương; Phong tục, tập quán địa phương; Xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỷ cương, pháp luật…

Bên cạnh đó, còn có các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp như: Thị trường lao động; Ngành nghề, làng nghề truyền thống, ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương; Tiềm năng phát triển kinh tế địa phương; Các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường…

Ngoài ra, tài liệu giáo dục địa phương còn một số nội dung về giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời tăng cường tính thực tiễn, trải nghiệm của học sinh, gắn giáo dục nhà trường với cộng đồng, gắn kiến thức đã học trong nhà trường với vấn đề đặt ra ở cộng đồng nơi các em sinh sống. Từ đó, góp phần hình thành và phát triển ở học sinh các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường thực tiễn

- Để dạy - học tài liệu địa phương, nhà trường và giáo viên cần lưu ý điều gì, thưa ông?

- Các trường cần chuẩn bị điều kiện bảo đảm để thực hiện tốt nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, tập trung vào các điều kiện bảo đảm triển khai nội dung giáo dục địa phương như: Nghiên cứu tài liệu, sử dụng thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… phải được sử dụng hợp lý.

Đối với giáo viên, cần chủ động, sáng tạo trong tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương và các hoạt động trải nghiệm sao cho gần gũi với học sinh, đặc điểm của địa phương. Tài liệu giáo dục địa phương có tính mở và mang tính chất tham khảo, định hướng nội dung. Thầy cô cần tăng cường tự học, trau dồi các kiến thức về chính trị - kinh tế - xã hội của địa phương để giờ học đạt hiệu quả cao.

- Ông kỳ vọng gì vào việc giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương trong các nhà trường?

- Tôi hi vọng tài liệu giáo dục địa phương có vai trò như tài liệu sách giáo khoa, có khả năng hỗ trợ, định hướng quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh đạt hiệu quả. Đồng thời, giúp học trò có những kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm thực tiễn, từ đó bồi đắp tình yêu quê hương đất nước nói chung và địa phương, cộng đồng nơi các em sinh sống nói riêng.

Tôi cũng hi vọng quá trình dạy - học sẽ có nhiều thuận lợi như: Giờ học sôi nổi, hứng thú, cách thức tổ chức dạy học linh động và tăng tính mở; Huy động được các lực lượng khác trong xã hội cùng tham gia giáo dục học sinh; Tăng cường tính thực tiễn để giúp cả thầy và trò có những trải nghiệm thú vị. Từ đó, góp phần giáo dục học sinh trở thành những công dân có kiến thức, kỹ năng và có tình yêu quê hương, đất nước, hòa đồng với cộng đồng xã hội.

- Xin cảm ơn ông!

Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên. Từ đó tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và xã hội trong quá trình tổ chức dạy - học giáo dục địa phương. - Ông Nguyễn Minh Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.