Tai hại bệnh ảo tưởng ở phụ huynh

“Ảo tưởng về khả năng của con sẽ gây hại cho chính đứa trẻ dẫn đến sự phát triển nhân cách lệch lạc, sớm mất đi sự hồn nhiên trong trẻo của trẻ".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từng mơ ước trở thành ca sĩ nhưng bị bố mẹ phản đối kịch liệt nên Lan Anh không được thực hiện. Khi bé Quỳnh Chi (con gái Lan Anh) lên 3 biết hát, biết nhảy rất khéo, cô đã chủ định sẽ cho con học năng khiếu để biến ước mơ của mình trước đây thành hiện thực.

Ép con thành ca sĩ

Đó là câu chuyện chúng tôi được chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Quyên (Trung tâm tư vấn tâm lý Phương Thanh, Hà Nội) kể lại. Lan Anh đã lên kế hoạch khá cẩn thận, cầu toàn cho con đường đến nghệ thuật của bé Quỳnh Chi. 

Lên 5 tuổi bé Quỳnh Chi được mẹ cho học đàn, học hát, học múa… Mới đầu con bé tỏ ra rất hào hứng nhưng sau đó thì không còn mặn mà nữa.

Bé Quỳnh Chi học tiểu học, rồi lên THCS, tối ôn bài ở lớp, ngày cuối tuần Lan Anh vẫn kiên trì đưa con đến các câu lạc bộ để học “nghề”. Sáng thứ Bảy, Chi học đàn - hát, chiều học múa, sáng Chủ nhật lại học nhảy… 

Chỉ có buổi chiều Chủ nhật được nghỉ, có lần Chi xin mẹ đi chơi, Lan Anh nghiêm mặt nói với con rằng: “Mẹ đã cho con đi học nhảy, múa, đàn, hát là con được giải trí luôn rồi còn đòi mẹ cho đi chơi nữa, muốn mẹ mệt chết hả?”.

Có buổi sáng thứ Bảy Chi muốn nghỉ học để ngủ lì, trong khi mẹ muốn đưa đi học đàn, Chi đã hét lên rằng: “Con điên mất, chẳng lúc nào được nghỉ” rồi khóc toáng lên. 

Bà và bố vào nói Lan Anh cho con nghỉ nhưng cô cương quyết đưa Chi đến lớp. Lan Anh giải thích rằng, học đàn không thể xem thường vì nó cũng giống cho học toán, phải biết 2 x 2 = 4 mới biết 4 + 4= 8, bỏ một buổi là bị rỗng khiến thức một buổi.

Chi vừa bị mẹ kéo ra khỏi nhà vừa bị mắng rằng không biết thương mẹ, mẹ vì con, lo cho con như thế mà ăn nói phù phàng… Không biết bao lần, Chi đến lớp học năng khiếu trong tâm trạng nặng nề như vậy.

Không dừng lại ở đó, hai mẹ con thường xuyên “mất đoàn kết” về chuyện đi học năng khiếu. Có hôm về đến nhà là Lan Anh trách móc con hôm nay cô giáo nói con không tập trung, đầu óc cứ để đâu đâu… Đến bây giờ đã lên lớp 8 rồi nhưng việc đi học năng khiếu của Chi vẫn thiên cưỡng theo ý mẹ.

Đây cũng là lý do vì sao Lan Anh phải gọi đến Trung tâm Tư vấn tâm lý để nhờ chuyên gia gỡ rối. Vì Chi đổi khác quá nhiều so với trước đây, đi học về, có thời gian cũng không còn muốn ngồi vào đàn nữa, chỉ khi nào mẹ bắt ép mới đánh vài bản. 

Có khi được nghỉ học thì ngồi lì cả ngày trong phòng, không nói chuyện với ai. Ăn cơm cũng ăn thật nhanh để lên phòng, không còn muốn giao lưu với bạn bè như trước nữa khiến cả nhà lo lắng.

Trẻ căng thẳng, bố mẹ mệt mỏi vì “ép duyên”

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Quyên, trẻ có thể phát lộ một khả năng nào đó sớm, không đồng nghĩa với việc trẻ có năng khiếu vượt trội trong lĩnh vực đó. 

Cũng không có nghĩa biểu hiện ấy hoàn toàn ổn định và vững bền, có thể nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngay cả trường hợp được phát hiện sớm, tác động đúng hướng cũng không duy trì hay đẩy tài năng lên đến đỉnh cao.

“Ảo tưởng về khả năng của con sẽ gây hại cho chính đứa trẻ dẫn đến sự phát triển nhân cách lệch lạc, sớm mất đi sự hồn nhiên trong trẻo của trẻ. Bất kỳ sự tác động hay mong đợi quá mức nào của người lớn cũng gây áp lực, căng thẳng cho trẻ. 

Trẻ cần được sống với đúng lứa tuổi ngây thơ, trong sáng, trong môi trường an toàn, yêu thương, chia sẻ, vỗ về. Mặt khác, đặt kỳ vọng quá lớn ở con cũng khiến cho cha mẹ thêm mệt mỏi, hụt hẫng” - Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Quyên cảnh báo.

Vẫn biết rằng khao khát con cái học giỏi và thành đạt của các bậc cha mẹ là chính đáng, tuy nhiên, mỗi đứa trẻ có một khả năng tư duy khác nhau, điều quan trọng là chúng ta cần tạo môi trường để cho trẻ phát triển đúng khả năng. 

Ngoài việc học, trẻ cần có thời gian để vui chơi và phát triển nhân cách. Khuyến khích trẻ học là việc nên làm, nhưng hãy để trẻ cân bằng giữa học và chơi, ngoài ra, trẻ cần có ý thức tham gia lao động, sống chan hòa, cởi mở với mọi người xung quanh.

Có nghiên cứu từng chỉ ra rằng, trẻ có thành công và hạnh phúc trong tương lai hay không phụ thuộc nhiều vào chỉ số cảm xúc ở trẻ hơn là chỉ số thông minh. 

Vì thế, bồi dưỡng trẻ thế nào cho đúng cách, phù hợp với năng lực và trí tuệ của trẻ là điều cha mẹ nên làm. Không nên bắt ép con thực hiện ước mơ của mình trong khi trẻ không muốn vô tình gây áp lực, sớm mài mòn cảm xúc hạnh phúc của con.

Theo GiadinhNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.