Mới đây, một lần nữa vấn đề về quyền tác giả và các vấn đề cấp bách liên quan đến luật sở hữu trí tuệ lại được đưa ra bàn luận nhằm bảo vệ quyền lợi của đông đảo các nghệ sĩ.
Khi bản quyền là của chung
Chúng ta đang sống trong thế giới của công nghệ hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa, lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Tuy nhiên sự xâm hại về tác quyền, cũng bắt nguồn việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới.
Thách thức của cuộc chiến chống vi phạm bản quyền nói chung, quyền tác giả âm nhạc nói riêng đặt trên vai các chủ thể quyền và nhà chức trách tại các quốc gia.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Trên 1 tỷ album nhạc vi phạm bản quyền đã được tiêu thụ trên toàn thế giới.
Có tới 37% tổng số album nhạc được phát hành vi phạm bản quyền, với giá trị thiệt hại 4,5 tỷ USD. Trong một năm cả thế giới đã thu 82,1 triệu đĩa, trong đó 7,5 triệu đĩa CD, 4,4 triệu đĩa DVD, 65,5 triệu đĩa CD-R đã ghi, 4,7 triệu đĩa DVD - R đã ghi.
Trong số đĩa thu vì vi phạm bản quyền, 80% có nguồn gốc từ châu Á. Như vậy sự vi phạm tác quyền âm nhạc đã mở rộng ra ngoài biên giới không bó hẹp trong phạm vi một quốc gia nào cả.
Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc trên
Internet diễn ra một cách công khai và trắng trợn ở mức báo động. Như trường hợp Lệ Quyên tố cáo 9 trang web đăng tải trái phép hai album Tình khúc xưa 2 và Tình khúc yêu thương.
Và không chỉ có Lệ Quyên mà nhiều các sĩ khác như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Lê Cát Trọng Lý, Cẩm Ly, Thái Thùy Linh... cũng nhiều lần phản ứng vì bị vi phạm bản quyền.
Năm 2014 cũng nở rộ nhiều vụ kiện tụng liên quan đến vi phạm bản quyền của các đơn vị kinh doanh nhạc số như vụ công ty của ca sĩ Đăng Khôi kiện Zing MP3 vi phạm bản quyền, hay trưởng nhóm Bức Tường Trần Lập đưa Zing MP3 ra tòa vì đăng tải bài hát Đường đến vinh quang do anh sáng tác mà không xin phép…
Cần hành lang pháp lý
Tại Hội thảo về quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề cấp bách do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới - WIPO, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Cơ quan Văn hóa Nhật Bản tổ chức đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp về vấn đề này.
Theo ông Scot Morris - Giám đốc Đối ngoại Hiệp hội Quyền biểu diễn của Úc (APRA) - thì trách nhiệm của nhà mạng sẽ được đặt ra một khi nhà mạng cung cấp dịch vụ đó đã biết vi phạm nhưng vẫn sử dụng sản phẩm vi phạm...
Với kinh nghiệm từ Luật Bản quyền từ Malaysia, GS.TS Lim Heng Gee (Trường ĐH Teknologi) chia sẻ: Khi nhận được phản ánh vi phạm, phía nhà mạng sẽ gỡ bỏ sản phẩm vi phạm và gửi thư thông báo cho người tải sản phẩm lên.
Nếu người tải sản phẩm lên phản hồi rằng sản phẩm đó không vi phạm, thì nhà mạng sẽ gửi phản hồi này lại cho người phản ánh xâm phạm.
Nếu người bị vi phạm tiến hành khởi kiện người tải sản phẩm thì nhà mạng vẫn bảo lưu việc gỡ bỏ và vô hiệu hóa đường dẫn. Đối với vấn đề nan giải này, các chuyên gia cho biết: Hàn Quốc có công nghệ truy ra được lượng truy cập một trang web vi phạm trên phạm vi toàn thế giới.
Hay tổ chức JASRAC của Nhật Bản có phần mềm kiểm soát được tất cả bài hát tiếng Nhật trên các trang web của thế giới để phát hiện vi phạm.
Riêng tại Việt Nam, việc vi phạm tác quyền âm nhạc dường như vẫn chưa có được sức nặng của hành lang pháp lý. Theo dõi các trang mạng xã hội, người xem đều nhận thấy một thực trạng, đó là các bài hát của nhạc sĩ do các ca sĩ biểu diễn vẫn được tải lên một cách công khai.
Người nghe được miễn phí, nhạc sĩ và ca sĩ thất thu, còn các nhà mạng lại có được một doanh thu lớn từ quảng cáo. Theo ông Vũ Ngọc Hoan - Cục phó Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, những quy định xử lý cụ thể từ luật pháp Malaysia cũng là một sự tham khảo bổ ích cho Việt Nam.