Ngày 18/9 tại TPHCM đã diễn ra lễ công bố Giải Sách Hay (GSH) lần thứ XI, năm 2022 do Viện Giáo Dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách Hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của đông đảo giới trí thức, chuyên gia, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà giáo, nhà báo tâm huyết và nhất là các độc giả trẻ mê sách từ khắp cả nước.
Theo nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - người khởi xướng và là Trưởng Ban tổ chức Giải Sách Hay, GSH lần thứ XI, năm 2022 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 15 năm ra đời Dự án Khuyến đọc Sách Hay và GSH 2022 cũng chạm mốc là mùa giải thứ XI, qua đó thể hiện sức sống bền bỉ của GSH và hoạt động khuyến đọc trong một thế giới đầy biến động.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ về hai tác phẩm đạt GSH 2022 ở hạng mục sách giáo dục tại sự kiện. |
Sau hơn 5 tháng làm việc nghiêm túc, 7 Hội đồng xét giải với hơn 30 chuyên gia hàng đầu ở từng lĩnh vực, đã chọn ra 14 tựa & bộ sách ở 7 hạng mục: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới.
Ở hạng mục sách giáo dục, GSH năm nay trao cho hai tác phẩm: “Nghề thầy” của tác giả Hoàng Đạo Thúy, do Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn ấn hành; “Chân, Thiện, Mĩ trong tầm nhìn đương đại” của tác giả Howard Gardner do dịch giả Hiếu Tân chuyển ngữ, NXB Tri Thức ấn hành.
Giá trị về người thầy, nghề dạy học không thay đổi
Là người công bố GSH ở hạng mục sách giáo dục, TS Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) - Trưởng Hội đồng chấm GSH 2022 hạng mục sách giáo dục, chia sẻ: “Mặc dù cuốn sách “Nghề thầy” do tác giả Hoàng Đạo Thúy viết có khoảng cách thời gian với chúng ta ngồi đây khá xa (được xuất bản lần đầu tiên năm 1944) nhưng những giá trị về người thầy giáo và nghề dạy học vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay...”.
TS Bùi Trân Phượng công bố GSH 2022 ở hạng mục sách giáo dục. |
TS Bùi Trân Phượng - Trưởng Hội đồng chấm GSH 2022 hạng mục sách giáo dục cho rằng bà rất tâm đắc với những vấn đề mà tác giả Hoàng Đạo Thúy nêu trong sách Nghề thầy.
Trong đó, tựa đề cuốn sách cũng cho thấy tác giả quan niệm dạy học cũng là một nghề như bao nhiêu nghiệp mưu sinh khác trong xã hội. Trong đó, tác giả quan niệm về mục đích - mục tiêu của giáo dục mà những người làm thầy theo đuổi là “giáo dục là tạo ra con người có khả năng kiến tạo xã hội tốt đẹp hơn”.
Tác giả Hoàng Đạo Thúy diễn giải: “Đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất”.
Tiếp đến, tác giả Hoàng Đạo Thúy mong mỏi thầy cô giáo hướng đến giáo dục toàn diện “Đức, Chí, Thể, Trí, Công”, trong đó người đọc có thể lưu ý: “Lòng trung với nước, nên dạy từ sớm. Gần ở cái lòng trung sâu xa mà có thể đến chỗ hy sinh lớn. Như thế hơn là cái trung mồm mép, bồng bột một lúc. Hiếu ở lòng nhân ra, yêu cha mẹ. Đễ cũng thế, là lòng yêu anh em. Trung là lòng yêu người cùng nước, yêu kính người khác, lo toan cho người sau. Vì thế đọc quốc sử là một cách nuôi lòng trung. Biết thờ phụng các bậc anh hùng rồi mới nối gót mà thành anh hùng được”.
Hay trong sách tác giả Hoàng Đạo Thúy cũng đề cao việc rèn luyện chí khí cho học trò. “Người có chí khí thì cả quyết. Thấy việc nên làm là dám làm: bền gan, gặp nỗi khó khăn không nao núng; vững dạ, giữ được ý mà theo đuổi mãi công việc mình; bạo, dám xông pha chỗ nguy hiểm; nhiệt thành, đủ cái khí để cho việc chóng xong, cho người khác theo; táo tỉnh, chỗ khó khăn nguy nan vẫn không rối trí quẫn bách, vẫn biết được cách chống đỡ và cách nên lui; đảm nhận được công việc, không để hỏng, không bỏ dở, không chịu nhọc, không để cho người ta đè nén hay làm nhục nhã, không hèn.
Người có chí khí, có khí khái, gặp trường hợp nào cũng giữ được phẩm cách mình. Người có chí khí biết sáng kiến, biết tìm được đường mới mà đi, đã tìm được đường thì lập được chí và đủ chí để theo đuổi cho đến lúc thành công” - trích sách Nghề thầy.
Danh sách GSH 2022 ở 7 hạng mục: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới. |