Tác phẩm du ký: Những khám phá mới lạ

GD&TĐ - Những góp mặt của các tác phẩm du ký đã tạo nên sự phong phú cho văn đàn Việt Nam. Cùng với những mới lạ trong bút pháp, khám phá độc đáo về miền đất mà các tác giả ghé thăm cùng những trải nghiệm của bản thân đã mang đến ấn tượng cho người đọc. Đặc biệt với trào lưu du lịch của giới trẻ, các tác phẩm du ký có xu hướng xuất hiện nhiều hơn góp thêm món ăn tinh thần trong đời sống.

Tác phẩm du ký:  Những khám phá mới lạ

Mang thế giới đến gần hơn

Khi mà thế giới phát triển, con người có thêm nhu cầu và cơ hội trải nghiệm cuộc sống. Điều này cũng tạo tiền đề cho thể loại du ký xuất hiện nhiều hơn.

Không chỉ có những nhà văn chuyên nghiệp mà các bạn trẻ và những người yêu chủ nghĩa xê dịch đã tìm đến thể loại này để thỏa mãn việc gửi gắm, ký thác tâm sự riêng.

Những miền đất mới, những con người mà họ có dịp gặp gỡ đã hâm nóng những xúc cảm để người ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Sau một thời gian vắng bóng, những tác phẩm thuộc loại du ký đã được bạn đọc đón nhận hào hứng.

Có thể kể tên những tác phẩm thuộc thể loại du ký được đông đảo bạn đọc yêu mến như: Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (Trương Anh Ngọc); Đảo thiên đường (Dili); Dưới nắng trời châu Âu (Hoàng Yến Anh), Những ngày ở châu Âu (Vũ Minh Đức), Seoul đến và yêu (Quỳnh in Seoul), Nghìn ngày nước Ý, Nghìn ngày yêu (Trương Anh Ngọc), Đà Lạt một thời hương xa (Nguyễn Vĩnh Nguyên), Hạt muối rong chơi (Nguyễn Phan Quế Mai)...

Đặc biệt Xách ba lô và đi (Huyền Chíp) đã tạo nên một trào lưu của giới trẻ với khám phá và trải nghiệm… Mới đây cuốn Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero (Nguyễn Tập) đã nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả.

Mỗi tác phẩm du ký như một cuốn phim quay chậm về hành trình đến và đi mà nhân vật tôi đã trải lòng và cảm nhận. Những trang sách đó không chỉ đơn giản là những chuyến hành trình địa lý mà còn là hành trình tinh thần, văn hóa với những con người thật việc thật cùng sự vui buồn trong hành trình tìm tòi và khám phá.

Vấn đề là viết như thế nào

Xu hướng du lịch để trải nghiệm thực sự đã tạo ra một luồng gió mới vào thị trường sách văn học. Chia sẻ về vấn đề này, biên tập viên Nguyễn Thanh Hương, NXB Kim Đồng cho biết: Để những tác phẩm du ký thu hút được sự đón nhận của độc giả cũng không phải là điều dễ dàng, bởi không phải bất cứ chuyến đi nào cũng trở thành câu chuyện hấp dẫn.

Đối với thể loại du ký thì yếu tố hấp dẫn và mục tiêu giải trí luôn được đề cao. Những câu chuyện thường được phản ánh từ ngôi kể thứ nhất. Từ những trải nghiệm thực tế người viết phải lựa chọn cách chuyển tải để làm sao thu hút được người đọc. Chính vì vậy sự hài hước trong cách kể sẽ giúp câu chuyện đến gần hơn và dễ dàng đi vào lòng người.

Dòng sách du ký đang thịnh hành ở Việt Nam hiện nay là những cuốn du ký viết dưới dạng tự truyện, phi hư cấu, tạo cảm giác như một câu chuyện tâm tình. Về phương diện này cuốn truyện John đi tìm Hùng của Trần Hùng John tạo nên sự độc đáo trong cách viết tự truyện.

Câu chuyện về hành trình khám phá đất nước Việt Nam cũng là việc tìm về nguồn cội của chàng thanh niên mang hai dòng máu Việt - Mỹ. Cái nhìn của nhân vật cũng đậm chất nhân văn và giàu sự hài hước dí dỏm. Chính sự hài hước này cùng với cách viết chân thực đã cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm.

Mới đây, cây bút du ký Nguyễn Tập mới cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ hai: Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero. Với 4 phần: Amazon (Trong rừng thẳm Amazon), Mexico (Xứ sở của những chiếc đầu lâu pha lê, Peru (Bay trên thành phố đá) và Cuba (Lang thang trên quê hương Bolero) cuốn sách như một bộ phim tài liệu đặc biệt, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Nam Mỹ của tác giả.

Chất liệu thực tế đi trong cuốn du ký được anh khai thác một cách triệt để. Những câu chuyện từ bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song trùng đời sống văn minh – hoang dã, cho đến những phong tục lạ lùng của những bộ lạc trong rừng thẳm, những thành phố đá, hòn đảo trôi dạt, đảo búp bê… được tái hiện khá chân thực ngắn gọn.

Xen kẽ trong những câu chuyện có cả những bức tranh ký họa làm tăng thêm tính thuyết phục và hấp dẫn khi kể. Ở mỗi vùng đất đi qua, tác giả luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến thân phận những người Việt lang thang, lưu lạc, đôi chỗ dành mối liên tưởng đến sự tương đồng văn hóa với quê hương mình. Bằng sự cảm nhận riêng và cách viết đầy xúc cảm, cuốn tự truyện đã góp thêm một cái nhìn mới mẻ về một chân trời xa gửi gắm khát vọng lên đường.

 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.