Tỷ lệ tiêu thụ thịt trung bình của người Việt là 34,2kg/năm vào năm 2014 theo tài liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) trong khi mức được khuyến cáo là có lợi cho sức khỏe chỉ 27,4kg/năm. Theo Chăn nuôi Việt Nam, tỷ lệ này tăng lên hàng năm vì ngành chăn nuôi trong nước mỗi năm tăng trưởng 8-12%, đó là chưa kể lượng thịt ngoại nhập đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường do giá rẻ hơn thịt trong nước.
Bữa cơm của người Việt đang ngày càng nhiều thịt hơn.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo rằng việc tiêu thụ quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt chế biến, sẽ gây ra tác dụng phụ cho cơ thể người, ảnh hưởng tới sức khỏe trong một thời gian dài. Thay đổi chế độ ăn quá nhiều thịt sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim, tiểu đường, ung thư, béo phì…
Trung Quốc - nước được công nhận là tiêu thụ thịt nhiều nhất thế giới, thấy rõ được những hệ lụy của việc này, chiếu theo tỷ lệ tiêu thụ thịt hiện nay ở Trung Quốc, người ta dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng 50%, đạt 93kg/người/năm, trong đó riêng thịt lợn chiếm 73%. Để đáp ứng sự thèm thịt lạ thường này của người dân, Trung Quốc sẽ buộc phải nhập khẩu thịt từ phần còn lại của thế giới.
Giảm việc tiêu thụ thị sẽ tốt hơn cho sức khỏe người và môi trường.
Kèm theo mức tăng trưởng đáng sợ này, mặc dù vẫn còn chưa bằng một số nước phương Tây, là tỷ lệ trẻ em Trung Quốc bị thừa cân hoặc béo phì, đã tăng từ 5 – 20% chỉ trong vòng một thế hệ .
Việc gia tăng ngành chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu thịt cho con người còn làm nguy hại tới môi trường thông qua việc làm tăng khí thải nhà kính. Theo ước tính gần đây của FAO, thì ngành chăn nuôi chiếm hơn 51% lượng khí thải nhà kính của thế giới.
Hơn nữa, chăn nuôi còn chiếm dụng phần lớn lương thực và tài nguyên nước. Theo nghiên cứu từ đại học Mc Gill và đại học Minnesota, nếu không phát triển chăn nuôi, trái đất hoàn toàn có thể cung cấp gấp 1,5 lần nhu cầu lương thực của cả loài người trên hành tinh, nghĩa là sẽ không lo sợ tình trạng thiếu lương thực, nạn đói. Để sản xuất 1kg đậu nành cần 2 000 lít nước, 1kg khoai tây chỉ cần 630 lít còn 1kg thịt bò lại cần tới 43 000 lít. Do vậy bằng cách cắt giảm việc tiêu thụ thịt bạn còn góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống.