Tác giả “Dấu chân phía trước”: Tâm trạng của thế hệ chưa một lần gặp Bác

Tác giả “Dấu chân phía trước”: Tâm trạng của thế hệ chưa một lần gặp Bác

Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ thành nhạc phẩm nổi tiếng cùng tên.

Một điều ít ai biết là trước khi phổ nhạc bài thơ “Dấu chân phía trước” giữa nhà thơ Hồ Thi Ca và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chưa hề quen biết nhau. Tuy nhiên, sau khi nhạc phẩm “Dấu chân phía trước” ra đời thì giữa hai người trở nên gắn kết, thân thiết. 

Nhân kỷ niệm 130 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), PV Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với nhà thơ Hồ Thi Ca về thi phẩm đặc biệt này.

Ghi lại tâm trạng thực của thế hệ trẻ

- Bài thơ “Dấu chân phía trước” của ông kết hợp với âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã lan tỏa, vang vọng trong cộng đồng gần 4 chục năm nay được sáng tác trong bối cảnh nào?

Bài thơ:

Dấu chân phía trước

Ngọn gió qua sông thổi vào

Chở bình minh về bến cảng

Tôi đi êm từng bước ấm

Theo nắng lần bước Bác xưa

Trời rực rỡ hay đang mưa

Nghe sao lòng mình mát vậy

Ngó xuống bàn chân tôi thấy

Mặt đất bình yên khác thường

                         * * *

Đi qua bao nhiêu phố phường

Với bàn chân này đến cảng

Rồi bây giờ là phút lặng

Tịnh yên vẽ dấu chân Người

Thuở Sài Gòn chưa mặt trời

Khi phố phường chưa tiếng hát

Nước Nhà Rồng này: Nước mắt

Dấu chân Bác hằn ở đây

Dấu chân không nhẹ như mây

Dấu chân không êm không ấm

Dấu chân không là dấu nắng

Mười ngón trăn trở bấm sâu

Dấu chân của dáng đứng lâu

Nặng hai vai là Tổ quốc

Chắc Người rưng rưng nước mắt

Trái tim căm giận bừng bừng

Trăm nghìn bồi tàu đã từng

Ra đi không gì để lại

Nhắm mắt ai cũng tìm thấy

Dấu chân trăn trở của Người

                 * * *

Khi ấy tôi chưa ra đời

Khi tôi còn là hạt bụi

Bay trong bão giông lầm lũi

Đọa đày cùng mẹ cùng cha

Bác bước lên tàu đi xa

Để tôi - mặt trời gần lại

Bước đi hôm nay không phải

Bấm chân lún đất hờn căm

Để tôi được là Việt Nam

Trên đất nước hình chữ S

Sinh tôi mẹ ghi quốc tịch

Không còn ái ngại đắn đo

Để mọi người được tự do

Nhấc chân nhẹ nhàng mà bước

Bác đã làm người đi trước

Khai rừng phá núi tay không

Thì việc gì phải băn khoăn

Khi đi thênh thang đại lộ

Khi cùng với ai dạo phố

Hãy vào bến cảng hôm nay

Để nghe nhịp tim đổi thay

Lựng thơm theo từng ngọn gió

                  *   *   *

Tôi cúi đầu nhìn cho nhớ

Dấu chân trăn trở của Người

Và tôi xin được muôn đời

Ghi lòng dấu chân phía trước.

Nhà Rồng, tháng 5/1981

HỒ THI CA

Bài thơ “Dấu chân phía trước” được tôi viết vào tháng 5/1981 nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi từ cảng Nhà Rồng. Đến nay, bài thơ đã tròn 39 tuổi.

Trong bài thơ, tôi cố gắng ghi lại tâm trạng thực của mình, là người thuộc thế hệ “chưa một lần gặp Bác”. Vì tôi sinh 1958 mà sự kiện “ra đi tìm đường cứu nước” của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xảy ra từ năm 1911 – tức 47 năm trước khi tôi ra đời - nên tôi đã viết: Khi tôi còn là hạt bụi/Người đã lên tàu đi xa...

- Việc phổ nhạc bài thơ thành ca khúc cùng tên được diễn ra như thế nào?

Chỉ vài ngày sau khi tôi sáng tác thì bài thơ “Dấu chân phía trước” được đăng trên Báo Văn nghệ TPHCM. Tôi không nhớ chính xác, nhưng cũng chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó thì tôi tình cờ được nghe bản hợp xướng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc bài thơ này và cũng giữ tựa đề “Dấu chân phía trước” làm tên bài hát. 

Nhạc sĩ đã chọn câu thơ: Khi tôi còn là hạt bụi/Người đã lên tàu đi xa để mở đầu bài hát một cách ấn tượng.

- Hình tượng “dấu chân” trong bài thơ thật đặc biệt. Nó lột tả được sự dấn thân đầy gian lao của Bác Hồ. Ông có thể chia sẻ thêm về việc chọn hình tượng “dấu chân” trong bài thơ này?

Năm tôi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Trong những ngày tháng chờ phân công nhiệm vụ, tôi đã nghĩ về năm 1911 “anh Văn Ba” đến Sài Gòn và dấu chân Người đã in những bước lịch sử trên Bến Nhà Rồng. Người bước lên tàu đi xa khi mới 21 tuổi.

Sau những năm dài sống trong chiến tranh, tôi sung sướng hít thở không khí hòa bình độc lập. 

Nhưng kế sau 1975 là những năm nhọc nhằn, đói kém của thời cấm vận, thời bao cấp. Nó là những dòng người đổ xô đi vượt biên, phó thác số phận cho biển cả. 

Rồi chiến tranh Tây Nam, biên giới phía Bắc dồn dập… Những năm tháng ấy thầy trò chúng tôi chiến đấu trong giảng đường cũng cam go không kém ngoài mặt trận với cơm độn khoai sắn, bo bo trường kỳ…

Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như thế, chỉ có niềm tin mới giúp con người đứng vững. Niềm tin ấy tôi tìm thấy ở người trai trẻ 21 tuổi trên Bến Nhà Rồng. 

Tôi không thể biết chính xác hình ảnh Người lúc đó ra sao nhưng tự nhiên tôi “vẽ” trong đầu mình một chàng trai gầy gò, gương mặt ốm và xương. Từ hai hốc mắt sâu ánh lên sự cương nghị. Viết về Hồ Chí Minh vô cùng khó, vì rất nhiều thơ nhạc đã viết về Người. 

Tôi nghĩ mình phải viết rất thật tâm trạng của mình. Nó cũng là tâm trạng của thế hệ chưa từng một lần được gặp Bác và điều mà tôi “thấy” rõ nhất là dấu chân trăn trở của Người:

Dấu chân của dáng đứng lâu/Nặng hai vai là Tổ quốc/Chắc Người rưng rưng nước mắt/Trái tim căm giận bừng bừng

Bài thơ “Dấu chân phía trước” lần lượt hình thành một cách tự nhiên, không cố gắng tư duy, không dụng ngôn từ. Tôi muốn tất cả từ ngữ nói về Người đều thật giản dị, dễ hiểu ngay cả ở những câu thơ nói về sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người: Bác đã làm người đi trước/ Khai rừng phá núi tay không.

Tác phẩm văn học hay về đề tài Bác Hồ

- Cảm giác của ông là tác giả bài thơ khi nghe bài hát này thì thế nào?

Thời điểm nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc cho bài thơ, ông và tôi chưa hề biết nhau. So với bài thơ “Dấu chân phía trước”, có 2 khổ thơ được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sử dụng nguyên vẹn khi đưa vào tác phẩm của mình là:

Dấu chân không nhẹ như mây/Dấu chân không êm không ấm/Dấu chân không là dấu nắng/Mười ngón trăn trở bấm sâu/ Dấu chân của dáng đứng lâu/Nặng hai vai là Tổ quốc/Chắc Người rưng rưng nước mắt/Trái tim căm giận bừng bừng.

Để khách quan, tôi xin mượn lời của MC Anh Thư của Đài Truyền hình TPHCM (HTV) nói về bài thơ “Dấu chân phía trước” trong một cuộc phỏng vấn tôi và NS Phạm Minh Tuấn gần đây: “Có thể khẳng định, bài thơ đã rất thành công bởi 3 lẽ: Đây là một tác phẩm văn học hay về đề tài Bác Hồ; Xây dựng được một hình tượng nghệ thuật, một cụm từ văn học “Dấu chân phía trước”; Được phổ nhạc thành một ca khúc tuyệt vời…”.

- Mối quan hệ giữa ông và nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trước và sau khi có bài hát “Dấu chân phía trước”?

Qua gần 40 năm, nhờ sự kết nối của bài hát chúng tôi trở nên thân thiết, có nhiều chuyến đi cùng nhau để quay phim, phỏng vấn về tác phẩm chung này. 

Tôi rất cảm ơn anh - người nhạc sĩ đã chắp thêm đôi cánh âm nhạc cho lời thơ của tôi bay cao bay xa…

- Xin cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ