Tác động nhiều mặt của chính sách không thu học phí từ trẻ mầm non 5 tuổi đến THCS

GD&TĐ - Liên quan đến chính sách không thu học phí trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với học sinh diện phổ cập, tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo giải trình và đánh giá tác động về vấn đề này.

Ảnh minh họa/Sỹ Điền
Ảnh minh họa/Sỹ Điền

Theo đó, đánh giá tác động của chính sách này như sau:

Thứ nhất về chính sách: Việc đề xuất không thu học phí đối với trẻ em 5 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ kinh phí cho học sinh ngoài công lập sẽ từng bước thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách phổ cập.

Thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối vối giáo dục mầm non; thực hiện NQ 29 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tạo điều kiện cho 100% trẻ 5 tuổi được học mầm non trước khi vào lớp 1.

Thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển xã hội hóa, khuyến khích các loại hình trường ngoài công lập phát triển, đối xử bình đẳng giữa trường công và trường tư khi thực hiện các dịch vụ công thiết yếu do nhà nước đảm bảo kinh phí.

Thứ hai, tác động về giới, quyền trẻ em: Thể hiện tinh thần của Luật Trẻ em, đảm bảo các quyền của trẻ em được ghi nhận trong Luật Trẻ em 2016 và các công ước quốc tế về quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ 5 tuổi được học mầm non miễn học phí, không có tác động về giới.

Thứ ba, tác động đối với học sinh, gia đình và xã hội:

Mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông hiện nay không cao, tuy nhiên việc không thu học phí THCS sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Tạo thêm cơ hội cho trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở học được tiếp cận giáo dục, đặc biệt các học sinh gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo..

Qua đó khắc phục cơ bản tình trạng học sinh bỏ học, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Giảm tỷ lệ trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở học bỏ học do khó khăn về kinh tế: Ước tính năm 2016, tỷ lệ học sinh từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở chiếm khoảng 90%; tỷ lệ bỏ học ở trung học cơ sở chiếm khoảng 1%.

Trong số học sinh bỏ học, có rất nhiều học sinh gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Điều này, gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Nâng cao chỉ số phát triển người (HDI): Chỉ số phát triển con người là chỉ số tổng hợp đo lường sự phát triển của con người trên các phương diện thu nhập, tri thức và sức khỏe trong một thời kỳ nhất định.

Chỉ số giáo dục được biểu hiện qua 2 chỉ số chi tiết, đó là số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình. Hai chỉ số này của Việt Nam còn hạn chế, làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực - điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam phát triển kinh tế xã hội và hội nhập thành công, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việc không thu học phí trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở học tại trường công lập và hỗ trợ học sinh ngoài công lập sẽ góp phần quan trọng nâng cao số học sinh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi, nâng cao số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người của Việt Nam.

Việc hỗ trợ học phí đối với các học sinh học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập tạo được sự bình đẳng đối với các cơ sở công lập. Giảm áp lực, giảm tải cho cơ sở giáo dục mầm non công lập; trường tiểu học công lập; trường THCS công lập

Đáp ứng yêu cầu của xã hội và gia đình người học, tác động tích cực đến chính sách xã hội hóa và việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư có đủ năng lực để đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ