Tác động mạnh mẽ từ chính sách tiền lương nhà giáo

GD&TĐ - “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nước nhà đang kỳ vọng vào nguyện vọng chính đáng, tâm huyết, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), đề nghị Trung ương xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên” - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - khi bàn về việc sửa đổi chính sách lương với nhà giáo.

Tác động mạnh mẽ từ chính sách tiền lương nhà giáo

Cải cách chính sách tiền lương có tác động lớn đến ngành GD

Theo ông Nguyễn Minh Tường, GD-ĐT có vai trò hết sức quan trọng. Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đều coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI của Đảng ta một lần nữa cũng đã nhấn mạnh luận điểm đó.

Thời gian qua, khi Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được công bố xin ý kiến rộng rãi đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, đặc biệt đồng thuận cao với nội dung đưa lương giáo viên vào Luật: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Điều đó đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tích cực và sự kỳ vọng lớn trong đội ngũ nhà giáo. Nếu chúng ta thể chế hóa được các nội dung này vào Luật để đảm bảo tính pháp lý, ổn định, lâu dài sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển GD-ĐT.

Tuy nhiên, việc xây dựng Luật hiện nay thực hiện theo Luật Ban hành văn bản năm 2015, trong đó, quy trình xây dựng khá phức tạp và chặt chẽ và phải qua các khâu lấy ý kiến, thẩm tra của nhiều cấp có thẩm quyền khác nhau. Việc đưa chính sách lương nhà giáo ra khỏi Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục không có nghĩa là vấn đề lương của nhà giáo không được quan tâm.

Tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương đã đưa ra bàn thảo về vấn đề cải cách chính sách tiền lương. Đây là một nội dung quan trọng, có tác động lớn trong toàn xã hội, nhất là đối với nhà giáo, cán bộ quản lý ngành Giáo dục. Đề án Cải cách chính sách tiền lương lần này có một số điểm mới như:

Hệ thống bảng lương mới sẽ được ban hành theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Đề án nêu lên hàng loạt cải cách, trong đó với khu vực công, Ban chỉ đạo Đề án xác định thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp và tiền thưởng.

Thang, bảng lương hiện hành sẽ được bãi bỏ để ban hành hệ thống bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Nội dung cải cách này được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất, mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.

Cụ thể sẽ có một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo; ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm bảng lương cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm); bảng lương cho quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương cho công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Đối với những công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ dưới trung cấp), Ban chỉ đạo Đề án đề xuất thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức.

Khoán quỹ lương: Việc cải cách cũng hướng đến sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt. Một số tỉnh, thành phố ở vùng động lực được mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần.

Đề án cũng nêu rõ việc thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị; bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện bảng lương mới.

Tiền lương thỏa đáng là cơ sở yêu cầu giáo viên nâng cao chất lượng

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Tường cho biết, hiện tại, tỉnh Phú Thọ có gần 23.000 biên chế viên chức là nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên công tác trong ngành Giáo dục, từ bậc Mầm non đến Phổ thông và GDTX. Khi xếp sang lương mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến một số lượng lớn viên chức nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên trong tỉnh.

Trong trường hợp sau khi chuyển xếp sang hệ thống bảng lương mới, mức lương được tăng lên sẽ có tác động tích cực tới đội ngũ trong toàn ngành, giúp nhà giáo yên tâm công tác, chuyên tâm cho công việc, sâu sát chuyên môn, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Trường hợp sau khi chuyển xếp theo Đề án Cải cách tiền lương mà mức lương được hưởng lại thấp hơn mức lương đang hưởng hiện nay sẽ gây tâm lý bất ổn, tâm tư cho đội ngũ cán bộ viên chức trong ngành.

Trên thực tế, hoạt động lao động của nhà giáo có tính chất đặc thù, ngoài việc lên lớp hằng ngày, giáo viên còn phải chuẩn bị bài giảng, chấm trả bài, thực hiện công tác phổ cập và nhiều hoạt động giáo dục khác đối với học sinh. Đặc biệt, Phú Thọ là tỉnh miền núi, hiện nay có khoảng 6.000 viên chức cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thuộc các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập...), các điểm trường lẻ cách xa trung tâm, ngoài giờ dạy trên lớp phải đến nhà của học sinh để vận động học sinh đến trường, chăm sóc học sinh ở các trường nội trú, bán trú và nhiều hoạt động khác.

Do vậy, để nhà giáo yên tâm công tác, đồng thời tạo động lực, thu hút học sinh giỏi sau tốt nghiệp THPT vào trường sư phạm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, hơn lúc nào hết, cần phải đặt vấn đề tiền lương của giáo viên vào nội dung sửa đổi Luật Giáo dục tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ khẳng định: Chính sách tiền lương thỏa đáng phù hợp với tính đặc thù của ngành sẽ là cơ sở để yêu cầu giáo viên gắn với nâng cao chất lượng, tức là quyền lợi luôn phải đi kèm với nghĩa vụ. Có như vậy mới tạo được sự công bằng và không tạo tự phân tâm cho đội ngũ nhà giáo cũng như những người quản lý giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ