Syria: Người trẻ tự tìm nền giáo dục mới

GD&TĐ - Trong một lớp học lạnh đến mức bạn có thể thấy hơi thở của chính mình, năm cô gái tuổi teen, mái tóc được che bởi những chiếc khăn có hoa văn rực rỡ, cùng hai cậu bé bằng tuổi, đang đọc những cụm từ tiếng Anh trên SGK. Họ lặp lại lời thoại mẫu của giáo viên: “Thực vật có ở khắp nơi trên thế giới”.

Trường học mà nhóm trẻ được nhìn thấy qua bức tường đổ nát của một nhà thờ nằm sát bên
Trường học mà nhóm trẻ được nhìn thấy qua bức tường đổ nát của một nhà thờ nằm sát bên

Trường học giữa đống đổ nát

Đó là bài khóa về một khu vườn nhiệt đới được trồng trong nhà ở Vương quốc Anh - một thế giới xa lạ với những đứa trẻ ở thành phố Raqqa, nơi mà chỉ hơn một năm trước, những tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria tuyên bố là thủ đô của chúng.

Bên cạnh tòa nhà trường học là phần còn lại của một nhà thờ Armenia. Đây vốn là khu phố đông đúc với các tòa chung cư, giờ chỉ là những đống đổ nát. Công viên công cộng của thành phố, từng phủ đầy cây xanh, nay là ngôi mộ tập thể khổng lồ. Giữa sự hỗn độn và chết chóc ấy, một trường học kỳ lạ đang âm thầm hoạt động. Kỳ lạ, bởi nó không phải do chính quyền hay một tổ chức nào dựng lên, mà là do chính những người trẻ có nhu cầu được học tập.

“Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm giáo viên vào đầu tháng 7 năm 2018, sau đó là chọn vị trí thích hợp để bắt đầu học”, Diana, 18 tuổi, giống như hầu hết cư dân Raqqa, trao đổi với phóng viên kèm theo yêu cầu không trích dẫn bằng tên đầy đủ, vì lý do an toàn.

Sau khi IS bị đánh bật khỏi Raqqa vào tháng 10/2017, thành phố chỉ còn là đống đổ nát, nguyên nhân chính là do những cuộc oanh tạc của liên quân đứng đầu là Mỹ. Với việc lực lượng nổi dậy do liên quân hậu thuẫn tiếp quản Raqqa, Mỹ hứa sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả trường học và bệnh viện. Nhưng hơn một năm, phần lớn trong số những điều đã hứa không xảy ra.

Trong khi một số trường tiểu học được mở cửa trở lại, hầu như không có nơi nào cho trẻ lớn hơn đến học. GD là không thể chờ đợi, trông mong vào chính quyền hay sự giúp đỡ từ quốc tế lại càng vô vọng, Diana và bạn bè quyết định tự mở ra con đường học tập cho mình.

Hành trình mở trường lạ kỳ

Diana nói một cách vắn tắt về quá trình hình thành ngôi trường, nhưng thực tế diễn ra phức tạp hơn rất nhiều. Việc tìm kiếm người sẵn sàng đứng lớp cho họ không dễ dàng. Hầu hết giáo viên hay những người có kiến thức đã bỏ chạy khỏi thành phố hoặc bị giết. Vì vậy, các thanh thiếu niên đã phải mở rộng việc tìm kiếm ở khu vực ngoại ô.

“Thật sự tôi đã rất ngạc nhiên khi họ tìm đến và đưa ra đề nghị” - Ali, giáo viên tiếng Anh của trường, nhớ lại ngày mà nhóm trẻ này xuất hiện ở cửa nhà anh, tại một ngôi làng phía Đông Raqqa. Không hiểu sao họ biết về anh, một giáo viên bình thường dạy học ở vùng ngoại ô Raqqa từ năm 2005. Hiểu được tâm nguyện của nhóm thanh niên, Ali nhanh chóng nhận lời, thậm chí còn giúp họ tiếp cận với các giáo viên khác mà anh biết, đồng thời cùng nhóm trẻ tìm kiếm nơi thích hợp để mở trường. Bây giờ, ngôi trường độc đáo này có 10 giáo viên cố định cùng vài chục HS.

Nhóm trẻ nỗ lực vì nhu cầu được học tập của họ. Những giáo viên như Ali đứng ra giúp họ cũng vì tình yêu nghề. Sau nhiều năm chìm trong chiến tranh, hầu hết người dân ở Raqqa tay trắng, nhưng HS và gia đình họ vẫn cố dành dụm để chi trả “lương” cho giáo viên. Khoản “lương” ấy, đôi khi chỉ là mẩu bánh mỳ mỗi ngày hay một bộ quần áo lành lặn. Nói cách khác, họ san sẻ và nương tựa vào nhau.

Vào ngày mà ký giả của National Public Radio đến thăm trường, nguồn năng lượng duy nhất để giúp chống lại cái lạnh của mùa đông khắc nghiệt là một chút than được đốt trong một hộp kim loại, đặt trên sàn lớp học. Chương trình giảng dạy có hầu hết các môn học cơ bản. Các HS nói họ đã bỏ lỡ bốn năm học hoặc hơn, trong giai đoạn IS chiếm đóng và tiếp theo là cuộc chiến khốc liệt để đánh đuổi chúng.

“Chúng tôi đã chịu đựng rất nhiều trong thời gian này” - Batul, 19 tuổi, nói - “Chúng tôi phải rời khỏi nhà và không được học. Trẻ em nhỏ hoàn toàn không biết chữ. Những người sắp học xong trung học cũng bị đuổi khỏi trường, bị giết hoặc chạy trốn. Bây giờ cuộc chiến đã tạm dừng, những người ấy không có việc gì để làm, không có chút tương lai nào. Đó là một cuộc sống khủng khiếp. Chúng tôi không muốn mình cũng vậy”.

Nuôi ước mơ bên lưỡi hái tử thần

Đối với Diana, Batul và các HS khác, họ hy vọng GD sẽ giúp thay đổi cuộc đời. Diana muốn thành kỹ sư. Batul nuôi giấc mơ làm bác sĩ, Abeer muốn làm dược sĩ. Anh chàng Bilal, 19 tuổi, theo đuổi nghề kiến trúc.

Không giáo viên hay HS nào của trường muốn nói về chủ đề nhạy cảm như chính trị. Họ sợ mình sẽ trở thành mục tiêu của một vụ bắt cóc, hay có thể chọc giận một trong nhiều phe phái trong cuộc nội chiến chưa biết lúc nào mới kết thúc ở Syria. Nhưng đi sâu vào các câu chuyện, họ trở nên mở lòng hơn, dù vẫn tránh đụng đến chính quyền Damascus hay các phe phái nổi dậy chống chính phủ, ngoại trừ IS. Họ thừa nhận tất cả đang bàng hoàng và lo sợ với quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump.

Thành phố Raqqa hiện được điều hành bởi một hội đồng dân sự, bao gồm một nhóm người dân địa phương và đại diện dân quân người Kurd - lực lượng chủ lực trong các nhóm nổi dậy tham gia cuộc tấn công giải phóng Raqqa khỏi IS hơn một năm trước, dưới sự hỗ trợ của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Hội đồng dân sự thành phố làm việc dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, liên lạc với quân đội và các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về nhu cầu của thành phố, từ an ninh đến an sinh xã hội.

“Nếu lính Mỹ rời đi, sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực có thể cho phép IS quay trở lại”, thầy Ali lo ngại. Còn Diana cũng không giấu nỗi sợ hãi: “Thành thật mà nói, nếu IS quay trở lại, chúng tôi sẽ không còn đất sống”.

Đó chỉ là một trong những mối lo sợ của người dân Raqqa. Nguy cơ chính quyền

Damascus tấn công để lấy lại thành phố từ tay quân nổi dậy, hay Thổ Nhĩ Kỳ có hành động quân sự để chống người Kurd đang giữ khu vực này, chưa kể mâu thuẫn giữa các phe phái nổi dậy có thể dẫn đến xung đột bất cứ lúc nào…

“Chúng tôi đói quen rồi, chúng tôi cũng không được học hành tử tế. Nhưng nỗi sợ lớn nhất là một cuộc xung đột có thể tái diễn bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẽ lại phải rời khỏi nhà, lại không được đi học và thậm chí có thể chết. Đó sẽ là một thảm họa”, Abeer, cô gái đang ước mơ sẽ trở thành dược sĩ, nói trong hoang mang.

Theo National Public Radio

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ