Syria - chủ đề "nóng" trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU

Syria - chủ đề "nóng" trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU

(GD&TĐ) - Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU lần thứ 31 kết thúc vào chiều thứ tư (4/6) tại Yekaterinburg (Nga) được coi là một hội nghị không bình thường. Không bình thường ở chỗ, lẽ ra hội nghị phải dành nhiều thời gian thảo luận về kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vẫn như những đám mây u ám trên bầu trời châu Âu. Và nữa, quan hệ thương mại Nga - EU được coi là không tồi, từ tháng 12 năm ngoái đến nay, doanh số thương mại Nga - EU đã vượt mốc 400 tỷ USD… Tuy nhiên, câu chuyện mang tên Syria đã chiếm gần hết chương trình nghị sự của hội nghị.

Trong 2 ngày (3 và 4/6), Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU diễn ra trong bối cảnh bất đồng giữa hai bên còn khá nặng nề. Về kinh tế, đã từ lâu EU yêu cầu Nga tăng số nhà cung cấp khí đốt cho EU chứ không thể để Gazprom độc quyền cung cấp như hiện nay. Mục đích của EU không ngoài việc tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp khí đốt và tất nhiên, họ sẽ được hưởng lợi. Về quan điểm đối ngoại, khi EU tuyên bố dỡ bỏ cấm vận vũ khí với phe đối lập Syria cũng là lúc Nga tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí tối tân cho chính quyền Tổng thống Bashar Assad. Ngay trước thềm hội nghị, Ủy ban các vấn đề quốc tế (Nga) đã công bố bản báo cáo nêu rõ: Mối quan hệ Nga - EU vẫn còn căng thẳng.

Tuy nhiên, Nga và EU vừa là đối thủ lại vừa là đối tác của nhau trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, giới phân tích vẫn hy vọng, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU lần thứ 31 sẽ là cơ hội để hai bên tháo gỡ những bất đồng, tìm được tiếng nói chung trong quan hệ song phương và trên bình diện quốc tế. Trong bối cảnh hiện tại, giới phân tích không lấy làm ngạc nhiên rằng câu chuyện về Syria sẽ rất “nóng” trong hội nghị này.

Tổng thống Vladimir và lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU
Tổng thống Vladimir và lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU

Những gì Moskva muốn nói với EU về Syria đã được ông Yuri Ushakov - trợ lý của Tổng thống Nga V.Putin thông báo trước khi hội nghị diễn ra. Ông Ushakov tiết lộ rằng Syria sẽ “chiếm phần lớn chương trình nghị sự” của hội nghị.

Tại hội nghị, Tổng thống Nga V.Putin một lần nữa nhắc lại sự thất vọng trước quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho phe đối lập ở Syria của EU. Trong buổi họp báo kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU, V.Putin tuyên bố: “Bất kể mọi nỗ lực nhằm ảnh hưởng đến tình hình Syria bằng vũ lực, sự can thiệp quân sự trực tiếp ắt phải thất bại và không tránh khỏi dẫn đến những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng”. Tuyên bố cứng rắn này đã được V.Putin gửi tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu qua cuộc điện đàm vào tháng trước, khi Israel bất ngờ không kích vào lãnh thổ Syria, giờ là lúc ông gửi đến toàn thể EU như một thông điệp mạnh mẽ. Cũng trong buổi họp báo này, V.Putin khẳng định thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga cho Syria chưa được thực hiện. V.Putin bổ sung rằng Nga và EU đã nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau trong một nỗ lực chung để hội nghị quốc tế lần 2 về Syria (Geneva-2) thành công.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, EU ủng hộ sáng kiến tổ chức hội nghị Geneva-2 và sẽ làm hết sức mình vì sự thống nhất, dân chủ của đất nước Syria.

Van Rompuy nói, mặc dù EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí nhưng hàng loạt các nước trong liên minh không cung cấp vũ khí cho phe đối lập Syria để tạo cơ hội cho tiến trình đàm phán.

Van Rompuy cho rằng, những gì đang diễn ra ở Syria là một thảm họa nhân đạo thực sự. Mặc dù chúng ta hy vọng rằng vòng đàm phán thứ hai về Syria ở Geneva sẽ mang đến một sự thay đổi lớn, nhưng ngay từ bây giờ phải sử dụng tất cả các kênh sẵn có để cung cấp tín hiệu cho cả hai bên xung đột - Van Rompuy nhấn mạnh.

Nói là vậy, nhưng với không ít nhà phân tích, EU chỉ là “kẻ ăn theo” trong vấn đề Syria. Hội nghị quốc tế về Syria lần này là sáng kiến của Nga và Mỹ. Mặc cho trong cuộc họp trù bị vào ngày 5/6 các bên vẫn chưa ấn định được ngày tổ chức hội nghị, nhưng có thể khẳng định rằng hội nghị chắc chắn sẽ diễn ra.

Đã qua rồi cái thời EU dùng thế mạnh kinh tế để khẳng định Nga cần họ chứ không phải họ cần Nga, rằng họ có thể thao túng chuyện nội bộ của Nga bằng tiếng leng keng của đồng euro. Tuyên bố cứng rắn của V.Putin về tình hình Syria tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU lần thứ 31 đã nói lên điều đó.

Duy Long (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ