Theo Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT), Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Cụ thể, tại Điều 4 của Nghị định quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí: tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Sinh viên sư phạm có thể đăng ký theo các hình thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu theo thông báo nhu cầu của các địa phương; đào tạo theo nguyên vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp (đào tạo theo nhu cầu xã hội).
Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, nếu cam kết làm trong ngành giáo dục sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do kinh phí của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước cấp).
Cũng theo Vụ Kế hoạch tài chính, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về mức bồi hoàn kinh phí đối với các trường hợp sinh viên sư phạm liên quan đến chính sách hỗ trợ. Cụ thể:
Sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn: sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.
Sinh viên sư phạm phải bồi hoàn kinh phí đào tạo gồm: Sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định; hoặc sinh viên sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Sinh viên sư phạm thuộc các trường hợp bất khả kháng như: nghỉ học tạm thời, bị đình chỉ học tập tạm thời sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian nghỉ học hoặc bị đình chỉ học; dừng học do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật, được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét cho tiếp tục học tập theo quy định, thì tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ.
Các nội dung trên đã đảm bảo quy định cụ thể cho tất cả các đối tượng nhằm đảm bảo công bằng cho các sinh viên sư phạm ra trường làm đúng ngành giáo dục và tuân thủ các quy định tại khoản 4 Điều 84 của Luật Giáo dục 2019.