Suýt thủng màng nhĩ vì đeo tai nghe khi ngủ

Một người đàn ông bị đầu tai nghe lọt vào trong tai khiến màng nhĩ xung huyết, đọng máu, ống tai ngoài trầy xước phù nề.

Dị vật là đầu tai nghe được lấy ra ngoài. Ảnh: BVCC.
Dị vật là đầu tai nghe được lấy ra ngoài. Ảnh: BVCC.

Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vừa tiếp nhận bệnh nhân nam đến khám trong tình trạng đau tai dữ dội. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó, người này có đeo tai nghe khi ngủ và bị một phần của thiết bị này rơi vào bên trong.

Bệnh nhân đã được gia đình đưa đến bệnh viện ở địa phương khám nhưng không lấy ra được. Sau khi đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, bác sĩ phát hiện dị vật đã ở sát màng nhĩ, gây trầy xước ống tai ngoài.

Sau khi đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu, thực hiện các biện pháp chuyên môn, các bác sĩ đã lấy được dị vật ra cho bệnh nhân là đầu nút của tai nghe dài khoảng 0,5 cm.

Dị vật khiến màng nhĩ xung huyết, đọng máu, ống tai ngoài trầy xước phù nề.

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khuyến cáo người dân nên chú ý chất lượng tai nghe khi sử dụng, không nên đeo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, người dân cần thận trọng với bất cứ vật gì khi đưa vào tai, vì đây là vùng rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Khi xảy ra sự cố, không nên tự ý xử trí tại nhà mà phải ngay lập tức đến bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Việc ngủ quên khi đeo tai nghe không chỉ làm tổn thương cơ quan thính giác mà còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội), sử dụng tai nghe liên tục, kéo dài trong nhiều giờ với âm lượng cao kích thích thẳng vào ốc tai, tai trong có thể dẫn đến viêm, giảm sức nghe.

Nhiều trường hợp có biểu hiện như ù tai, chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, đau tai, hoa mắt, nghe âm thanh khác lạ trong tai chỉ mình nghe thấy là biểu hiện của chấn thương âm thanh cấp tính cần đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ