Lắng nghe “tiếng lòng”

GD&TĐ - Ngày 1/8, Chính phủ ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký - làm nức lòng đội ngũ nhà giáo trên toàn quốc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau bao nỗ lực, cố gắng, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu cho Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP về chế độ thâm niên nhà giáo. Kể từ khi được công báo, nhiều diễn đàn trên mạng xã hội đã chia sẻ về Nghị định 77/2021/NĐ-CP với hàng nghìn lượt thích, bình luận. Phụ cấp thâm niên nhà giáo trở thành từ khoá “hot” trên mạng xã hội, mà còn “phủ sóng” trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Qua đó cho thấy đội ngũ nhà giáo luôn được xã hội quan tâm, trân quý.

Còn nhớ, thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (1/7/2020), nhiều nhà giáo bày tỏ băn khoăn, lo lắng rằng: Phụ cấp thâm niên sẽ bị bãi bỏ. Thực tế, đã có địa phương ra quyết định tạm dừng chi trả phụ cấp này, khiến không ít giáo viên hoang mang, hụt hẫng.

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ thầy, cô giáo, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 2446/BGDĐT để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo. Điều đó giúp giáo viên phần nào yên tâm, vì luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Cũng nhờ đó, phụ cấp thâm niên của nhà giáo vẫn được duy trì cho đến thời điểm này.

Đến khi Nghị định 77/2021/NĐ-CP được ban hành, giáo viên trên cả nước hoan nghênh và hân hoan chào đón. Chẳng thế mà, nhiều nhà giáo bộc bạch, Nghị định là “tiếng lòng” của giáo viên và được ví như luồng gió mát, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu nhà giáo trên cả nước. Quan trọng hơn là đã gieo thêm niềm tin vào cuộc sống, những chủ trương, quyết sách của Bộ GD&ĐT cũng như của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Ai cũng biết, đội ngũ nhà giáo là lực lượng làm nên chất lượng giáo dục. Vì thế, họ rất cần được quan tâm đúng mức. Một trong sự quan tâm đó là: Làm sao đảm bảo chính sách để nhà giáo yên tâm công tác, trên hết là thu hút người giỏi vào làm việc trong ngành, đồng thời giữ chân nhà giáo ở lại, bám trường, bám lớp, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thu nhập của nhà giáo vẫn thấp so với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung. Thế nên, nhà giáo vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt khi về hưu. Đảng và Nhà nước luôn xác định, giáo dục là quốc sách hàng đầu và đội ngũ nhà giáo luôn dành được sự quan tâm đặc biệt. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện

GD-ĐT nhấn mạnh: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Thậm chí, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong và ngoài ngành Giáo dục còn đề xuất: Cần tăng lương giáo viên ngang với lương của lực lượng công an, quân đội để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau nên nguyện vọng trên chưa đáp ứng được như mong mỏi của xã hội dành cho đội ngũ nhà giáo. Song khách quan mà nói, việc triển khai thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định 77/2021/NĐ-CP, cũng phần nào hiện thực hoá chủ trương: Giáo dục là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ