Khi nào “Nước sông Tô vừa trong vừa mát”...?

GD&TĐ - 3 thập kỷ nay, thậm chí có khi còn hơn, sông Tô Lịch bị ô nhiễm với mức độ ngày càng trầm trọng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sông Tô Lịch ô nhiễm chủ yếu là do từ các nguồn thải chưa qua xử lý. Việc “giải cứu” sông Tô Lịch là đòi hỏi tất yếu và việc thực hiện có lúc “khoan”, khi “nhặt”. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, thế nhưng bao giờ trở lại được như cái thời “Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh” vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.

Để hồi sinh sông Tô Lịch có khó không? Rất khó và đương nhiên là tốn kém. Đối với vấn đề kinh phí, chắc chắn ngân sách của thành phố có thể “kham” được, hoặc nếu không, có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Vấn đề còn lại là giải pháp nào?

Cách đây chưa lâu, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đã nghiên cứu các phương án làm sạch sông Tô Lịch. Đầu tiên là thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải, song phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải.

Phương án của Công ty Việt Nhật là dùng công nghệ Nano - Bioreactor. Công ty Thoát nước Hà Nội thì thí điểm dùng hoá chất làm sạch. Điểm chung của các phương pháp này là khó khả thi và quan trọng là không thể giải quyết triệt để được ô nhiễm.

Hiện, chỉ còn phương án xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải dọc hai bên bờ sông, nước thải sẽ được đưa về nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý. Việc xây dựng hệ thống cống thu gom sẽ hoàn thành vào năm 2020 nhưng hiện đang chậm tiến độ. Dự kiến năm 2021, hệ thống thu gom này sẽ hoàn thành và giải quyết được vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch...

Cần nhấn mạnh rằng, trước đây hồ Tây và sông Tô Lịch từng là một nhánh của sông Hồng nhưng do nhiều yếu tố, hiện hồ Tây và sông Tô Lịch không còn kết nối tự nhiên với sông Hồng. Nguồn nước bổ cập cho cả hồ và sông chủ yếu là nước mưa và nước thải sinh hoạt. Khi sông không có “đầu vào” thì sẽ không thể tạo dòng chảy tự nhiên và không tạo được dòng chảy thì đương nhiên vẫn là “sông chết”.

Cái chính là ở đó. Các nhà khoa học, ý kiến của các chuyên gia cũng đã nói, đã phân tích, đã đề cập đến nhiều nhưng đáng tiếc, đến nay, một giải pháp tổng thể cho lâu dài hoặc giải quyết tạm thời vẫn đang còn ở đâu đó.

Với tình trạng ô nhiễm hiện nay của sông Tô Lịch, một giải pháp không thể giải quyết được mà cần phải kết hợp nhiều giải pháp. Ví như trước đây và cả hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần giải quyết vấn đề cốt lõi là tách nguồn nước thải, không cho đổ trực tiếp vào sông.

Thế nhưng, đây là giải pháp cần nhưng chưa đủ. Nếu tách được nước thải thì nguồn nước nào sẽ bổ cập để tạo dòng chảy cho sông? Chẳng lẽ lại chờ trời mưa?

Bởi vậy, cái cốt lõi ở đây là chính là việc hiến kế. Các chuyên gia, nhà khoa học và cả người dân nên “xắn tay” vào cuộc với thành phố chứ không nên “chỉ tay năm ngón”. Thành phố có trách nhiệm lựa chọn phương án tối ưu nhất với mục đích giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch - cả trước mắt và lâu dài, chi phí hợp lý nhất.

Nếu coi Tô Lịch là “một cơ thể sống” thì “nó” phải được “đối đãi tử tế”, được “ứng xử văn minh” hơn: Phải hồi sinh, như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TPHCM. Không có lý gì mà TPHCM làm được, Hà Nội lại không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ