Giải tỏa nỗi lo

GD&TĐ - Nhiều nỗi lo được giải tỏa sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cùng phổ điểm 5 tổ hợp xét tuyển phổ biến nhất hiện nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vì sao nói nhiều nỗi lo? Vì bối cảnh dạy học và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay quá đặc biệt. Chúng ta đã từng có một năm học ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Nhưng năm nay, quy mô, mối đe dọa từ dịch bệnh khủng khiếp hơn rất nhiều. Bệnh dịch bùng phát đúng giai đoạn cuối học kỳ, qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT, rồi kéo dài đến nay.

Lo vì việc dạy học, ôn tập trực tuyến chất lượng sẽ không được như trực tiếp; thí sinh lo dịch ảnh hưởng đến tâm lý khi làm bài; gia đình, thí sinh, thầy cô lo lắng kết quả thi không được như mong đợi; trường đại học canh cánh việc kết quả thi không thuận lợi cho công tác xét tuyển…

Thế nhưng, nhìn vào phổ điểm có thể thấy kết quả thi khá ổn định. Thậm chí, môn Tiếng Anh, Lịch sử, kết quả còn có chuyển biến với điểm trung bình tăng hơn so với năm 2020. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đánh giá phổ điểm cho thấy kết quả điểm thi phản ánh đúng thực tế hoạt động dạy và học ở trường phổ thông.

Phổ điểm Tiếng Anh thể hiện tín hiệu đáng mừng về sự thay đổi chất lượng dạy học, cả thầy và trò đều chú trọng đầu tư hơn với môn học. Kết quả cao của môn Giáo dục công dân, bên cạnh yếu tố đề thi vừa sức, còn thể hiện học sinh đã quan tâm hơn đến các vấn đề pháp luật, đó là điều đáng mừng.

Trong khi đó, ý kiến từ trường đại học khẳng định điểm thi tạo thuận lợi cho tuyển sinh, dù là trường tốp trên, hay tốp giữa. Một chuyên gia khảo thí đánh giá, 5 năm gần đây, phổ điểm gần có dạng hình chuẩn vì đề thi được xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hướng tới công nghệ khảo thí hiện đại, có đo các thông số từng câu hỏi. Từ kết quả điểm thi thể hiện qua phổ điểm, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thành công tốt đẹp.

Nhiều năm nay, sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đều tổng hợp, phân tích để công khai phổ điểm. Có thể nói, việc phân tích và công khai phổ điểm, cung cấp thông tin chi tiết hơn về kết quả của một kỳ thi diện rộng là vô cùng cần thiết để xã hội giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục, cũng như công tác tổ chức kỳ thi. Đây là cơ sở để các nhà trường phân tích ưu, nhược điểm trong triển khai hoạt động dạy học, đặc biệt là dạy học, ôn tập trực tuyến, chủ động ứng phó các tình huống bất ngờ; từ đó phát huy, điều chỉnh chiến lược phát triển nhà trường.

Qua kết quả này, các trường cũng có thể nhìn nhận đúng thực tế về khả năng nghiên cứu, tiếp cận công nghệ thông tin của cán bộ, giáo viên; đánh giá lại khả năng tự học, tự tìm tòi của học sinh trong thời điểm hiện tại. Ở cấp quản lý cao hơn, phổ điểm là kênh tham khảo tin cậy giúp nhà lãnh đạo nhìn được bức tranh giáo dục trên diện rộng, từ đó điều chỉnh chính sách, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Phân tích phổ điểm còn cung cấp cho các cơ sở tuyển sinh thông tin tổng quan rõ nét, chi tiết hơn; từ đó xác định chính sách tuyển sinh dựa trên dữ liệu rõ ràng. Riêng với thí sinh, phổ điểm từng môn thi, phổ điểm từng tổ hợp để xét tuyển đại học là cơ sở quý giá giúp phụ huynh, học sinh phân tích, lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ