Đi xe máy về quê

GD&TĐ - Những ngày này, chứng kiến từng đoàn người rời TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ bằng xe máy để về quê lánh dịch, thật quá xót xa.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cũng về quê bằng xe máy, nhưng là đi vào dịp Tết, phần để trải nghiệm sự rộng dài của đất nước, phần tránh được cảnh chen chúc tàu xe; còn giờ đây, về quê bằng xe máy là chuyện chẳng đặng đừng. Có thể nói chẳng khác nào cảnh “tháo chạy” khỏi Sài Gòn!

Cách đây chừng 10 hôm, có địa phương ở miền Trung đã cấm công dân của mình từ vùng dịch trở về, bằng bất cứ phương tiện gì. Nhưng bây giờ thì không còn cấm nữa, mà có cấm cũng không được vì Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi các địa phương, trong đó “khuyến khích” các tỉnh nên đón công dân mình về để chia khó với TPHCM và các tỉnh phía Nam đang có dịch.

Nếu ra về trong trật tự như các tỉnh đã làm mấy hôm nay thì sẽ không đáng ngại, vì số lượng người về, phương tiện đưa đón và hiện trạng sức khoẻ của mỗi người đều nắm trong tay, còn dân về bằng xe máy thì chịu.

Cảnh sát giao thông một số tỉnh dọc miền Trung đã cấp cả xăng cho xe máy, phát thức ăn, đồ uống và dẫn đường cho từng đoàn người qua khỏi địa phận của địa phương mình.

Nghĩa cử đó rất đáng ghi nhận, song phải hiểu một điều này nữa, đó cũng là cách quản lý số người đi xe máy về từ vùng dịch nhằm tránh tình trạng lấy cớ đổ xăng, mua đồ ăn, thức uống mà đi ngang đi tắt dễ lây lan dịch bệnh.

Có ý kiến nói rằng, sao không ngăn chặn những người đi xe máy từ gốc, tức là từ nơi xuất phát như TPHCM? Ngăn sao được khi các địa phương đã đồng ý đón đồng hương mình về nhưng vì điều kiện tàu xe không đủ, kinh phí không đáp ứng thì bà con “tự túc” mà về thôi! Vì về bằng xe máy nên đã xảy ra tình trạng ùn ứ ở các chốt kiểm soát giữa các địa phương.

Ví như chốt kiểm soát đèo Bình Để giáp giữa hai tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi, hoặc chốt Hải Vân giáp với Thừa Thiên - Huế đã có hàng nghìn người che tạm lều bạt suốt hai ba ngày để chờ tới lượt làm thủ tục đi cách ly.

Dù tất cả họ đều có giấy xét nghiệm âm tính nhưng không ai dám chắc là trong số họ không có người dương tính? Nguy cơ lây nhiễm chéo ở các “điểm nghẽn” này là rất lớn.

Vì về bằng xe máy, không nằm trong kế hoạch dự lường của các tỉnh nên ở các khu cách ly “dã chiến” hiện nay là đáng lo. Nhiều tỉnh đang có dịch, các khu cách ly tập trung do tỉnh chuẩn bị trước đó hiện đã đầy. Do đó, trường học là nơi được trưng dụng cho số người về bằng xe máy.

Cả nghìn người chen chúc nhau trong các phòng học nên khu vệ sinh của trường hầu như quá tải. Chỗ tắm giặt, ngủ nghỉ, ăn uống… đều rất tạm bợ. Chưa nói đến việc có thể lây nhiễm chéo, chỉ nói tình trạng mất vệ sinh đủ để các loại dịch khác bùng phát rồi.

Về thì sẽ đối mặt với những chuyện như vậy nhưng ở lại thì sẽ gặp một bi kịch khác, tính mạng có thể bị đe doạ vì nhiễm bệnh và đói khát. Người dân, nhất là người nghèo gần như không còn sự chọn lựa nào tốt hơn chuyện về hay ở. Thôi thì phó thác cho số phận vậy.

Nhiều chuyên gia nhận định, dịch sẽ bùng phát mạnh ở miền Trung trong những ngày tới từ số người đi xe máy này. Chúng ta giờ chỉ còn biết cầu mong sao điều đó đừng xảy ra thôi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...