Chuyện cấm và quản

GD&TĐ - Trong kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm 2022, nhiều sở GD&ĐT và nhà trường đã thể hiện thái độ kiên quyết, nói không với hoạt động dạy thêm, học thêm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sở GD&ĐT Hà Nội quy định các trường phổ thông trên địa bàn không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào; việc ôn tập văn hóa trong hè chỉ dành cho học sinh, học viên có học lực yếu, kém. Các nhà trường không được dạy trước chương trình hoặc tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2022 - 2023. Sở GD&ĐT Bắc Giang nghiêm cấm các trường THCS, các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè (trừ học sinh lớp 9 ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022).

Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Nam Định) trong Kế hoạch tổ chức hoạt động hè năm 2022 cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài trường từ thời gian bắt đầu nghỉ hè theo quy định đến ngày 15/7/2022, trừ tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12 tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ôn thi vào lớp 10 THPT theo quy định của Sở GD&ĐT. Với học sinh chưa hoàn thành chương trình, học sinh xếp loại học lực yếu, nhà trường tổ chức phụ đạo và kiểm tra lại (không thu tiền).

Tuy nhiên có một thực tế là, 2 năm qua, học sinh phải học trực tuyến nhiều nên ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức. Với lý do này, cũng có những địa phương, nhà trường đưa ra quy định “mở”. Theo đó, nếu phụ huynh, học sinh có nhu cầu ôn tập, củng cố, nâng cao kiến thức,  kỹ năng, nhà trường căn cứ tình hình thực tiễn, thống nhất với cha mẹ học sinh về nội dung, chương trình, thời lượng ôn tập trên tinh thần tự nguyện.

Đơn cử, trong Văn bản số 779/HD-SGDĐT hướng dẫn tổ chức hoạt động hè năm 2022 của Sở GD&ĐT Đắk Lắk có nội dung: “Tổ chức các lớp ôn tập văn hóa hè, phụ đạo cho các em học sinh có học lực yếu, kém; tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho thanh thiếu nhi; tổ chức các lớp học nhằm ôn tập, củng cố bổ sung kiến thức cho học sinh đồng thời mở rộng và nâng cao kiến thức cho học sinh có nhu cầu và có sự đăng ký của phụ huynh học sinh…”.

Học thêm là nhu cầu có thật từ học sinh, phụ huynh, trong đó có học thêm trong dịp hè. Đáng nói là dạy học thêm tràn lan, sai quy định, giáo viên bằng cách nào đó gây sức ép để phụ huynh phải cho con đi học thêm. Việc này vốn đã khó quản trong thời gian năm học, lại càng khó khăn hơn khi nghỉ hè - thời gian học sinh được bàn giao về sinh hoạt hè tại địa phương. Cơ quan quản lý có lệnh cấm, có điều trên thực tế “cấm nhưng khó quản”. Do đó, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm là vô cùng quan trọng.

Khắc phục vi phạm dạy thêm, học thêm không chỉ nhà trường, ngành Giáo dục mà cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự tham gia giám sát của các tổ chức mặt trận, đoàn thể… Cùng với nhóm giải pháp về chuyên môn như chương trình, phương pháp dạy, thi cử, kiểm tra, đánh giá…, nhận thức của phụ huynh học sinh cũng vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần tạo điều kiện cho con em có kỳ nghỉ hè bổ ích, tránh áp lực căng thẳng vì học tập, tránh gây sức ép cho chính con em mình. Khó có thể ép buộc một khi cha mẹ kiên quyết, có lập trường vững vàng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động này trong và ngoài nhà trường. Nếu mọi quy định đều vì người học; nhà trường, giáo viên, phụ huynh đặt lợi ích của học sinh, con em lên hàng đầu thì khi đó chúng ta sẽ không còn lo lắng về vi phạm dạy thêm, học thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.