Cảm phục “chiến sĩ giáo dục”
Như ông từng chia sẻ với báo GD&TĐ, năm 2015, sự thán phục là điều đầu tiên ông cảm nhận khi chứng kiến những nỗ lực vượt khó của các thầy cô giáo cắm bản. Năm nay, đối với các thầy cô giáo biển đảo, cảm nhận của ông như thế nào?
Tôi dùng cụm từ “chiến sĩ giáo dục” để nói lên hình ảnh của các giáo viên biển đảo và 4 từ đó chính là sự thể hiện niềm thán phục của tôi dành cho các thầy cô. Có thể nói rằng quyết định đi theo nghề dạy học trong thời buổi hiện nay không phải là một quyết định dễ dàng! Và sẽ khó khăn hơn, thách thức hơn khi quyết định đi dạy ở vùng biển đảo! Phải có một ý chí, bản lĩnh và lòng yêu nghề thực sự mới có thể đưa ra một quyết định dũng cảm như vậy!
Trước những nỗ lực vượt khó của thầy cô cắm bản, tôi cảm phục lòng yêu nghề và sự tận tụy của thầy cô vì sự học của thế hệ tương lai. Đối với những gì thầy cô biển đảo đang làm, ngoài sự cảm phục, chúng ta còn cảm thấy nể trọng trước sự dũng cảm và tinh thần hy sinh của họ, những người lính không cầm súng giữa trùng khơi nhưng góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục.
Tôi cũng cảm nhận được tình thương đặc biệt của những thầy cô giáo dành cho học trò biển đảo nhút nhát và đang chịu nhiều thiệt thòi. Và tình thương đó luôn được xã hội trân trọng!
Sự vất vả không đáng sợ bằng cô đơn!
Nhiều ý kiến cho rằng mục đích của các các chuyến đi thăm các thầy cô giáo biển đảo chỉ đang dừng lại ở việc thăm hỏi, động viên các thầy cô, chứ chưa mang đến những hỗ trợ thiết thực về mặt vật chất cho họ? Ông đánh giá gì về ý kiến này?
Theo tôi, việc tổ chức các chuyến đi thăm thầy cô giáo ở những vùng xa xôi không phải là chuyện dễ dàng.
Khi tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm thứ nhất - 2015, để có được những chuyến đi thăm thầy cô tại các bản làng, chúng tôi gặp không ít khó khăn về thời gian, phương tiện và địa hình di chuyển.
Cũng vậy, với những chuyến viếng thăm thầy cô tại các vùng biển đảo từ Bắc chí Nam, thực tế không phải là chuyện đơn giản. Nói như vậy để thấy rằng những chuyến đi thăm từ đất liền của các cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong và ngoài ngành giáo dục là một nỗ lực chia sẻ đậm tình quê hương của người đi thăm, đồng thời có một ý nghĩa động viên rất lớn đối với thầy cô đang giảng dạy ở biển đảo xa xôi.
Có một cô giáo đã nói với chúng tôi rằng: “Sự vất vả ở đảo không đáng sợ bằng sự cô đơn. Vậy nên, khi có người đến thăm, cả cô giáo và học trò đều rất vui”.
Ngoài giá trị tinh thần này, về mặt vật chất, có thể nói rằng sự chia sẻ hiện nay của xã hội đối với thầy cô biển đảo vẫn còn nhiều hạn chế. Và đó cũng là một trong những lý do tại sao chương trình Chia sẻ cùng thầy cô quyết định chọn đối tượng của chương trình là các thầy cô đang công tác tại vùng biển đảo.
Mong rằng thông qua chương trình này, cùng nhiều chương trình khác đang hướng đến biển đảo nói chung và thầy cô vùng biển đảo nói riêng, chúng ta sẽ cùng truyền tải những câu chuyện về nghị lực của các thầy cô để xã hội thấu hiểu và từ đó, sự chia sẻ của cộng đồng đất liền đối với thầy cô về mặt vật chất sẽ ngày càng cụ thể, thiết thực và thường xuyên hơn.
Đừng đợi đến ngày 20/11
Dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông cho rằng các thầy cô giáo vùng biển đảo đang cần được hỗ trợ nhiều nhất ở khía cạnh nào và cả xã hội có thể làm gì để chung tay chia sẻ khó khăn với các thầy cô biển đảo?
Khi quyết định dạy học tại vùng biển đảo, có lẽ thầy cô giáo cũng đã hình dung được cuộc sống vật chất tại những nơi này sẽ không được như đất liền. Chính vì vậy, theo tôi, tinh thần là yếu tố quan trọng nhất hiện nay thầy cô cần được chia sẻ. Tương tự như những người lính vùng hải đảo, xem ti vi, nghe đài, đọc những lá thư gửi từ đất liền, … sẽ là niềm vui có giá trị tinh thần rất lớn đối với thầy cô và những học trò thân yêu của họ.
Những chuyến viếng thăm của thầy cô, học sinh cũng như của nhiều cơ quan, đoàn thể trong và ngoài ngành giáo dục từ đất liền chắc chắn sẽ mang lại cho thầy cô biển đảo niềm khích lệ lớn lao cho công việc và cuộc sống của thầy cô. Những hoạt động vinh danh về nỗ lực và thành quả giảng dạy của thầy cô hy vọng cũng sẽ làm ấm lòng các “chiến sĩ giáo dục”.
Về đời sống vật chất, những hỗ trợ cho công tác dạy học như trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập dành cho học sinh hoặc những giúp đỡ về điều kiện y tế như cung cấp thuốc men, dụng cụ y khoa…sẽ là những chia sẻ rất thiết thực.
Theo tôi, các tổ chức, đoàn thể trong xã hội chúng ta, đặc biệt các doanh nghiệp, nếu có điều kiện, nên có những chia sẻ cụ thể về tinh thần lẫn vật chất với thầy cô và sự chia sẻ này nên được thực hiện thường xuyên, không phải đợi đến chỉ một dịp vào ngày 20/11 hàng năm!
Chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô do T.Ư Hội LHTN VN, Bộ GD &ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp thực hiện.