Sức lan tỏa của SEQAP tại các trường tiểu học vùng khó Bình Thuận

GD&TĐ - Sau 6 năm thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), giáo dục tiểu học tại Bình Thuận đã có bước chuyển biến rõ nét: HS đi học chuyên cần hơn, các phẩm chất, kỹ năng của HS đã được nâng lên, chất lượng giáo dục được nâng cao, đồng thời tạo sự bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục.

Sức lan tỏa của SEQAP tại các trường tiểu học vùng khó Bình Thuận

Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho HS

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) được thực hiện tại Bình Thuận từ năm học 2010 - 2011 với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục trường học qua việc xây dựng mô hình dạy học cả ngày, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho các nhóm đối tượng HS.

Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận - nhận định: Một trong những mặt hiệu quả mà SEQAP đem lại là góp phần giảm sự chênh lệch phát triển giáo dục và đào tạo ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Giai đoạn 2010 - 2016, tỉnh Bình Thuận đã huy động hơn 70 tỷ đồng đầu tư xây dựng, đầu tư bổ sung hơn 170 công trình trường, lớp. Với sự hỗ trợ của SEQAP, hằng năm, khoảng 7.500 HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và HS dân tộc thiểu số được hỗ trợ bữa ăn trưa.

Nhờ SEQAP, HS dân tộc mới được biết đến hình thức học bán trú, học 2 buổi/ngày. Các em được ở lại trường ăn trưa, nghỉ ngơi và ôn tập bài vở cho buổi chiều giống như HS ở vùng thành thị. Mặc dù mỗi tuần chỉ có 2 bữa ăn trưa tại trường, nhưng với các em đó là cơ hội để trang bị những kỹ năng sống tập thể. Lần đầu tiên được ăn chung với các bạn, tập làm quen với những sinh hoạt tập thể như vệ sinh tay chân trước khi ăn, những HS dân tộc các trường Tiểu học La Ngâu, La Dạ, Hàm Cần… giờ đã quen với nếp sinh hoạt mới. Nhiều em biết chuyện trò, vui đùa với các bạn cùng lớp, biết tự phục vụ cho bản thân.

Hơn thế, các em biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và ôn tập tại lớp. HS được vui chơi cá nhân, theo nhóm, đọc sách; xem phim thiếu nhi trong khoảng 30 phút sau khi ăn rồi ngủ trưa. Phấn khởi nhất là phụ huynh không phải đón đưa con mỗi buổi, yên tâm giao cho nhà trường đến chiều mới đón về. Nhờ có dự án SEQAP, tỷ lệ HS dân tộc thiểu số đến trường luôn đạt 100%, tỷ lệ bỏ học khá ít.

Sự lan tỏa, ảnh hưởng của các trường SEQAP

Trường Tiểu học Hàm Trí 2 nằm trên địa bàn một xã miền núi, có điều kiện KT -XH khó khăn của huyện Hàm Thuận Bắc, HS ở đây chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc.

Thầy Đỗ Trung Nguyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Trí 2 cho biết: Qua 6 năm thực hiện Chương trình SEQAP, Trường Tiểu học Hàm Trí 2 đã tổ chức thực hiện hiệu quả dạy học 2 buổi/ngày. Từ khi thực hiện Chương trình SEQAP đến nay, chất lượng học tập của HS đã dần được nâng lên. Không chỉ các em có ý thức hơn trong học tập mà gia đình các em cũng tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho con em mình tham gia chương trình. Từ đó, góp phần đưa chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng lên. Trong các năm học qua, nhà trường đều có HS đạt giải qua các kỳ thi cấp huyện, cấp tỉnh.

Thầy Nguyên chia sẻ: Hàm Trí là một xã miền núi có điều kiện KT - XH khó khăn, việc đầu tư chăm lo học hành còn hạn chế. Một bộ phận HS phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ vừa học, vừa làm, tức là học 1 buổi, buổi còn lại về phụ giúp gia đình như chăn bò, trông em, nấu cơm, hái củi. Qua thời gian thực hiện dạy học cả ngày, các em HS ham thích khi ở lại trường, được vui chơi ngủ nghỉ, được ăn cơm tập thể, không phải đi về giữa trưa nắng, tinh thần thoải mái, học tập hứng thú hơn. Phụ huynh cũng yên tâm hơn, đăng kí cho các em ở lại nhiều hơn.

Sau những năm thực hiện SEQAP, nhiều phụ huynh không thuộc diện hỗ trợ của chương trình nhưng thấy có ý nghĩa thiết thực đã tự nguyện đóng tiền, yên tâm cho con ăn cơm trưa và nghỉ ngơi tại trường. Ngoài các HS được hỗ trợ tiền ăn từ Chương trình SEQAP, còn có nhiều em khác tự nguyện tham gia. Chất lượng giáo dục của nhà trường cũng vì thế tăng lên đáng kể. HS đi học chuyên cần hơn, tỉ lệ bỏ học giảm, nhiều em đã đạt danh hiệu HS khá, giỏi. Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2014.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Bình Thuận cho hay: Trong 50 trường tham gia SEQAP, có 9 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Các trường còn lại đã nâng cao được vị thế, tạo được niềm tin trong cha mẹ học sinh, cộng đồng và chính quyền địa phương. Thành tựu nổi bật nhất chính là mô hình dạy học cả ngày (FDS) đã được triển khai có hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng có đông HS DTTS. Đã có 22/50 trường có từ 10 HS dân tộc thiểu số trở lên tham gia SEQAP, là điểm sáng cần phải phát huy, lan tỏa trong thời gian tới.

Nhiều trường vùng dân tộc thiểu số trước đây phải chật vật mới duy trì được học nửa ngày thì nay đã được học cả ngày, tỉ lệ chuyên cần khá cao, có trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, điều mà cách đây hơn 10 năm không thể nào hình dung có được kết quả này.

Sau 6 năm thực hiện Chương trình SEQAP, chất lượng giáo dục bậc tiểu học ở Bình Thuận đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ HS yếu ở cả ba nội dung đánh giá (tiếng Việt, Toán và xếp loại giáo dục) giảm mạnh, 100% HS lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học, gần 15.000 HS được học chương trình dạy học cả ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ