Thông tin về tiến độ tiêm vắc xin cho người dân Thủ đô từ 18 tuổi

GD&TĐ - Sở Y tế Hà Nội yêu cầu ban chỉ đạo các quận, huyện có kế hoạch dự trù về số lượng vắc xin được phân bổ; mục tiêu tiêm chủng đảm bảo trên 95% đối tượng trên 18 tuổi trên địa bàn đều được tiêm chủng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại phiên họp trực tuyến 95 của Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, liên quan đến vắc xin, TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố cho biết, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ mua 15 triệu liều và phân nhóm ưu tiên theo thứ tự từ lực lượng tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, thành viên Ban Chỉ đạo, những người sinh sống tại vùng có dịch, người làm việc tại vùng cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền.

Hiện nay, vắc xin chưa có đủ để tiêm cho tất cả các đối tượng, vì vậy cần phải nâng cao các biện pháp phòng chống dịch.

Về vấn đề vắc xin, ngày 26/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21 về việc mua vắc xin phòng chống COVID-19, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, quản lý và sử dụng vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu BCĐ các quận, huyện có kế hoạch dự trù về số lượng vaccine này để ưu tiên cho các nhóm đối tượng theo quy định, với mục tiêu tiêm chủng làm sao đảm bảo trên 95% đối tượng trên 18 tuổi trên địa bàn thành phố được tiêm chủng.

Sau khi Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch vắc xin thì Sở Y tế sẽ có kế hoạch triển khai trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, vắc xin chưa đủ tiêm cho toàn bộ các đối tượng theo dự tính. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta xác định vẫn phải kiên định triển khai các phương án phòng chống dịch một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Về chùm ca bệnh liên quan đến bệnh nhân người Nhật đã tử vong 2229, chiều 1/3, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc kiểm soát dịch tễ và truy vết những trường hợp liên quan đến chùm ca bệnh số 2229 là người Nhật đã được tiến hành rất nhanh chóng. Kết quả có 3 ca mắc trong chùm ca bệnh này.

Chùm ca bệnh số 2229 là bệnh nhân người Nhật tử vong tại khách sạn Somerset (quận Tây Hồ). Kết quả giải trình gen với ca bệnh 2229 và F1 của ca bệnh này là BN2234 cho thấy, chủng virus này thuộc chủng 20C, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và không phải nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng.

Những đối tượng liên quan đều đã được kiểm soát và cách ly. Do đó, đến nay, đã cắt đứt được nguồn lây và không còn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đối với chùm ca bệnh này.

Tại cuộc họp trực tuyến 95 trên, báo cáo tại phiên họp, PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, tại Hà Nội, từ 16/2 đến nay (14 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới.

Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, nhưng báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết trong thời gian tới Hà Nội vẫn có thể ghi nhận thêm các ca mắc mới. Nguyên do là hiện nay các chuyên gia, người lao động kỹ thuật tiếp tục được nhập cảnh và trong thời gian tới khi nới lỏng các biện pháp so với giai đoạn trước, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng mở cửa trở lại thì sinh viên các tỉnh sẽ trở lại thành phố Hà Nội học tập nhiều hơn trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố yêu cầu các đơn vị vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chi đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố song song với việc phát triển kinh tế xã hội. Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân khai báo y tế đầy đủ, chính xác để được cách ly, lấy mẫu đúng quy định. Yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.