Ngày 27/2, tiến sĩ Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế - Bộ Y tế (Ivac) cho biết trên VTC, giá của mỗi liều vaccine Covivac phòng COVID-19 của đơn vị này là khoảng 60.000 đồng cho mỗi liều.
Dự kiến, ngày 3/3 tới, Covivac sẽ được tiêm thử nghiệm trên người.
Qua nghiên cứu, kháng thể của Covivac chống được biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Nam Phi. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu kháng thể với các chủng khác của virus này.
Giai đoạn 1 thử nghiêm sẽ thực hiện tại trường Đại học Y Hà Nội với khoảng 120 người tham gia. Họ có độ tuổi từ 18-59 tuổi, cả nam và nữ, được tiêm 2 mũi/0,5 ml (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.
Giai đoạn này các nhà khoa học sẽ sẽ nghiên cứu độ an toàn và tính sinh miễn dịch trên 4 nhóm vaccine với các mức liều 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg kháng nguyên Protein S không có tá chất và 1 mcg có tá chất, có thêm nhóm đối chứng là giả dược (không chứa thành phần vaccine).
Sau 43 ngày tiêm mũi thứ 2 (thuộc giai đoạn 1), nếu kết quả an toàn miễn dịch tốt, chọn được mức liều tối ưu, vaccine sẽ chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7/2021 tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư (Thái Bình) mở rộng số lượng người tham gia lên 300 người, đồng thời độ tuổi cũng mở rộng hơn từ 18-75 tuổi (trong đó tuổi từ 60-75 chiếm khoảng 1/3).
Ở giai đoạn 2, Covivac sẽ nghiên cứu độ an toàn và tính sinh miễn dịch trên 2 nhóm với các mức liều tối ưu chọn dược từ giai đoạn 1, có thêm nhóm đối chứng là giả dược (không chứa thành phần vaccine).
Mục tiêu của giai đoạn 2 là phối hợp dự liệu với giai đoạn 1 để đánh giá độ an toàn và hiệu lực đáp ứng miễn dịch của 2 nhóm vaccine ở quần thể lớn hơn, xem xét chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 3.
Dự kiến, quá trình nghiên cứu lâm sàng Covivac sẽ hoàn thành vào tháng 10/2021.
Liên quan đến sản xuất vaccine, Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với PGS TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết, Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển, đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở nhiều quốc gia.
Gần đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa vaccine AstraZeneca vào danh sách sử dụng khẩn cấp trên toàn cầu. Vaccine này được đánh giá chất lượng, hiệu quả cao trong phòng Covid-19.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca được phát triển dựa trên công nghệ “vector virus”, theo đó, một loại virus gây cảm cúm thông thường ở loài tinh tinh được làm cho suy yếu có tác dụng đưa ra các chỉ dẫn di truyền đến các tế bào con người, giúp chống lại virus SARS-CoV-2.
Về mặt giá cả, AstraZeneca cam kết, vaccine của hãng sẽ được bán không lợi nhuận với giá chỉ vài USD một liều. Điều kiện bảo quản cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của vaccine AstraZeneca khi chỉ cần bảo quản bằng tủ lạnh ở nhiệt độ 2 - 8oC.
Với ưu điểm giá thành rẻ, dễ dàng bảo quản và vận chuyển, vaccine AstraZeneca được đánh giá tốt hơn về độ phù hợp với những quốc gia đang phát triển.