Phần lớn phát hiện ung thư cổ tử cung ở Việt Nam khi bệnh giai đoạn muộn

GD&TĐ - Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Đây là loại bệnh mà tế bào ung thư thường xuất phát từ vùng chuyển tiếp nơi tiếp nối tế bào biểu mô vẩy và tế bào biểu mô trụ của cổ tử cung. 

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi.
Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi.

2.400 ca tử vong

Theo ghi nhận ung thư 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Những con số trên như hồi chuông cảnh báo để chị em phụ nữ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình.

Mới đây (ngày 11/2), Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân Quốc tịch Nam Phi, bà Demirel S. (54 tuổi), cuối tháng 11/2018 bà đã được chẩn đoán ung thư cổ tử cung nhưng không điều trị. Theo TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu: Bệnh nhân S. nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo, chóng mặt, buồn nôn, da xanh niêm mạc nhợt, vô niệu.

Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị suy thận cấp do khối ung thư cổ tử cung xâm lấn lan rộng làm giãn niệu quản 2 bên, Ure huyết tăng cao lên tới 44 (chỉ số bình thường từ 2.5 – 7.5); Creatinin 1216 (chỉ số giới hạn thường 44-106) và hội chứng thiếu máu nặng.

Ngay lập tức các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành truyền máu, lọc máu, cấp cứu tích cực giúp tình hình bệnh nhân cải thiện. Chỉ số hồng cầu, huyết sắc tố tăng, sau 2 lần lọc máu chỉ số Ure giảm còn 9.8 và Creatinin giảm xuống hơn 300.”

Bệnh nhân đã được chỉ định thực hiện các xét nghiệm siêu âm, chụp Cộng hưởng từ cho thấy khối u cổ tử cung khích thước 9,5x8,7x9,6cm, nhiều hạch chậu và hạch chủ bụng, khối tuyến thượng thận 2 bên. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thận cấp và mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IV, sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị theo phác đồ.

Sàng lọc sớm là biện pháp tối ưu

Chuyên gia bệnh viện K khuyến cáo: “Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ, cùng với tiêm phòng vắc xin, đây là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung”.

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung như: Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu; Ra máu âm đạo bất thường; Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục; Đau tức vùng bụng dưới;Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

Tại sao chị em cần tầm soát sớm ung thư cổ tử cung?

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền người bệnh phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Cụ thể xét nghiệm HPV rất có giá trị trong sàng lọc ung thư cổ tử cung. Việc Sinh thiết cổ tử cung sẽ nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường qua soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm Pap smear có tế bào bất thường. Ngoài ra còn các xét nghiệm khác như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu…

Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Chị em phụ nữ nên quan tâm đển những biểu hiện bất thường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa để không phải lo lắng về căn bệnh nguy hiểm này. Hãy khám và tầm soát sớm ung thư cổ tử cung để bảo vệ sức khoẻ của bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ