Kiến ba khoang không đốt hay tấn công người

GD&TĐ - Bệnh viện da liễu trên cả nước thường xuyên ghi nhận trường hợp viêm da do kiến ba khoang. Tuy nhiên thực tế, tình trạng viêm da xảy ra do người bệnh có tiếp xúc với kiến ba khoang, thay vì bị đốt hay tấn công.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân viêm da do kiến ba khoang. Ảnh: Bệnh viện Da liễu TPHCM
Bác sĩ khám cho bệnh nhân viêm da do kiến ba khoang. Ảnh: Bệnh viện Da liễu TPHCM

Viêm da không phải do kiến ba khoang đốt

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang đến khám rải rác quanh năm. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần gần đây, số ca đến khám tăng đột biến. Thậm chí, có những ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 100 người với các triệu chứng đau, bỏng rát da sau tiếp xúc kiến ba khoang. Điều đáng lo ngại là, nhiều người tự ý điều trị. Do đó, dẫn đến việc vết thương bị nhiễm trùng, thậm chí gây biến chứng, khó điều trị.

Trước đó, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang. Các bệnh nhân đều gặp một số triệu chứng: Xuất hiện các vết xẩm, mảng hồng ban ở trên da; Có những chùm mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ trên bề mặt da.

Những tổn thương này dễ lan rộng ra các vùng da khác. Đặc biệt là khi bệnh nhân vô tình chạm vào những vị trí bị tổn thương và tiếp xúc vùng da khác. Hầu hết, các trường hợp bệnh nhân đều cho biết trước đó có vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang.

Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Kiên Cường, Viện Y học Dự phòng Quân đội nhấn mạnh, nhiều người chưa hiểu cũng như xử lý đúng khi gặp kiến ba khoang. Do đó, không ít người dễ gặp phải những tổn thương ngoài ý muốn.

Kiến ba khoang không đốt, không chủ động tấn công người”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Lý giải cụ thể về vấn đề này, TS. BS Cường cho biết, những tổn thương trên da mà nhiều người mắc phải không phải do bị loài côn trùng này cắn hay đốt. Thực tế, họ vô tình chạm vào, chà xát, hay cố ý dùng tay giết con vật. Hành động này vô tình làm giải phóng chất dịch có chứa paederin - tác nhân gây mụn nước và phồng rộp mạnh, đau rát, viêm da.

“Nếu không được rửa sạch với nước và xà phòng ngay lập tức, chất độc này sẽ dẫn đến viêm da. Một số biểu hiện bao gồm bỏng rát, loang rộng, phù nề đặc trưng. Từ vùng da tiếp xúc với paederin, nhất là ở bàn tay, mọi người có thể vô tình đưa paederin đến các vùng khác nhau của cơ thể như: Mắt, mũi, mặt, bộ phận sinh dục hoặc các bộ phận khác trên cơ thể. Điều đó khiến chất độc lây lan và gây hại”, TS.BS Cường cảnh báo.

Theo đó, ban đầu, chất độc này gây tổn thương ban đỏ trên các vùng da của cơ thể. Sau đó tiển triển thành các nốt phổng rộp, mụn nước. Các tổn thương mụn nước cấp tính sẽ khỏi hoàn toàn trong vòng 10 - 12 ngày. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp triệu chứng đau khớp, sốt và nôn mửa, tổn thương thần kinh...

Chuyên gia này giải thích, các phản ứng khác nhau được nhìn thấy trên da tùy thuộc vào nồng độ, thời gian tiếp xúc và đặc điểm cá nhân. Trường hợp nhẹ sẽ có một ban đỏ kéo dài trong vài ngày. Thông thường, ban đỏ tiến triển thành mụn nước trong vài ngày, khoảng hơn một tuần. Sau đó, chúng đóng vảy khi mụn nước khô. Giai đoạn tiếp theo là bong vảy, để lại các mảng tăng hoặc giảm sắc tố. Tuy nhiên, người bệnh ít khi bị để lại sẹo trên da, trừ khi gặp biến chứng nhiễm trùng.

Xử lý khi tiếp xúc với kiến ba khoang

TS.BS Nguyễn Kiên Cường cho biết, kiến ba khoang bị thu hút, hấp dẫn bởi đèn sợi đốt và đèn huỳnh quang. Bởi vậy, việc bật đèn và mở cửa vào buổi tối sẽ vô tình làm tăng khả năng kiến ba khoang xâm nhập vào nhà, tiếp xúc với con người.

“Để hạn chế tiếp xúc với kiến ba khoang, các cửa ra vào, cửa sổ nên được đóng kín. Cần thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các cửa sổ bị hư hỏng. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa thường xuyên để giảm bớt sự xâm nhập của kiến ba khoang, cũng như các loại côn trùng”, TS.BS Cường khuyến cáo.

Ngoài ra, người dân nên nằm màn khi đi ngủ, nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc với côn trùng. Tắt bóng đèn khi đi ngủ là cách đơn giản nhưng hữu ích trong việc tránh tiếp xúc với kiến ba khoang.

Chuyên gia nhấn mạnh, để xử lý khi dính độc kiến ba khoang, cần rửa sạch bàn tay với nước và xà phòng ngay sau đó. Nếu nhìn thấy kiến ba khoang ở da, trên bàn hay trong nhà, tuyệt đối không đập hay chà xát chúng. Thay vào đó, mọi người nên thổi bay hoặc lấy một tờ giấy để kiến bò lên. Sau đó, hãy bỏ tờ giấy đó ra khỏi cơ thể hoặc nhà.

“Khu vực tiếp xúc với kiến ba khoang phải được rửa ngay lập tức bằng xà phòng và nước. Bất kỳ quần áo hoặc đồ vật nào tiếp xúc với kiến ba khoang cũng phải được giặt, lau sạch bằng khăn. Trong trường hợp có dấu hiệu viêm da, bỏng rát, ửng đỏ sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu”, TS.BS Nguyễn Kiên Cường khuyến cáo.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, nên thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng. Lý do là bởi kiến ba khoang rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Trước khi ngủ, mọi người cần quét sạch nền nhà và mắc màn ngủ tránh côn trùng. Khi môi trường mật độ kiến ba khoang nhiều, nên phun thuốc diệt kiến tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ