Hà Nội: Mỗi ngày có hàng trăm người đi khám do kiến ba khoang

GD&TĐ - Thời tiết mưa ẩm miền Bắc trong giai đoạn này là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại côn trùng phát triển. Tại Hà Nội, theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi ngày có hàng trăm lượt bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với độc tố từ kiến ba khoang.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Từ vài tuần nay, trẻ nhỏ trong nhà chân tay mọc nhiều nốt ngứa gây mẩn đỏ. Ban đầu dễ nhầm tưởng là muỗi đốt song sau đó phát hiện kiến ba khoang là thủ phạm.

“Nhà tôi ở chung cư tầng 7, gần đây các con bị mọc nhiều nốt ngứa không rõ nguyên nhân. Song sau đó phát hiện trong nhà xuất hiện nhiều kiến ba khoang. Đặc biệt vào thời điểm tối có đèn điện càng thu hút kiến ba khoang bay vào”, chị Phương Anh nói.

Theo Bác sĩ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Trung ương: Khoảng vài tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám cho hơn 100 bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Bệnh nhân gặp nhiều ở các quận, huyện ven đô của Hà Nội. Nhiều trường hợp 2-3 người trong cùng gia đình phải đi khám vì bị kiến ba khoang đốt. Không ít trường hợp bị tổn thương nặng, đến viện khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên do độc tố của kiến ba khoang”.

“Những trường hợp viêm da nặng, tổn thương lan nhanh sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang chủ yếu do chà xát vết đốt, làm độc tố của kiến lan ra, cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5-7 ngày tình trạng bệnh mới ổn định”, bác sĩ Hà Giang cho biết.

Các tài liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, kiến ba khoang có độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, dễ nhầm với zona thần kinh.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nên dùng tay đập chết kiến để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng, nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang

Nếu phát hiện trong nhà có kiến ba khoang hoặc tiếp xúc với chúng, chúng ta cần chú ý những điều sau:

Kiến ba khoang không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Các tình huống mà con người có thể tiếp xúc với chất pederin: Cố tình hoặc vô tình đập chết kiến khi chúng bò trên cơ thể, khi kiến bò lên khăn, quần áo đang phơi, con người sử dụng khăn hoặc quần áo này và vô tình chà xát kiến lên cơ thể, gây phóng thích chất độc lên da người.

Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo thì chúng ta phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác).

Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở các khu vực cửa sổ có lỗ thoát khí.

Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang.

Các khu nhà ở chật hẹp như: Ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.

Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà.

Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.

Khi kiến rơi hoặc bò lên da không nên dùng tay giết mà nên thổi cho kiến bay đi tránh để dịch tiết của nó dính vào da.

Nếu phát hiện vừa tiếp xúc với dịch tiết của kiến thì nhanh chóng rửa chỗ tiếp xúc dưới vòi nước. Khi vùng da đó bắt đầu thấy đau, rát thì dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxyd kẽm, mỡ kháng sinh rồi đến các cơ sở y tế để được chỉ định điều trị thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ