Hơn 17.000 trường hợp mắc chân tay miệng

GD&TĐ - Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm đến ngày 7/4, cả nước ghi nhận 17.451 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh nhi tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhi tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trong đó, có 4 trường hợp tử vong tại: Kiên Giang (hai), An Giang (một) và Long An (một). 

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng tăng gấp 4 lần. Ca bệnh tăng chủ yếu ở khu vực miền nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) hiện tiếp nhận điều trị hơn 40 bệnh nhi tay chân miệng các cấp độ. Số bệnh nhi mắc căn bệnh này tiếp tục có xu hướng tăng.

Một số trẻ đã gặp biến chứng thần kinh tim mạch. Đặc biệt, một số trẻ diễn biến bệnh rất nhanh, dù ban đầu chỉ nổi nốt ban nhỏ.

Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến tháng 4, có 212 ca mắc tay chân miệng trên toàn thành phố. Con số này tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 là 92 ca. Riêng tuần cuối tháng 3, toàn thành phố ghi nhận 68 ca. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mặc dù không ghi nhận ca biến chứng nặng, nhưng số trẻ mắc tay chân miệng năm nay tăng đột biến so với hai năm trước. 

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) tiếp nhận một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng. Trẻ nhập viện trong tình trạng sốt và ói liên tục. Trong khi đó, bé gái này chỉ xuất hiện một nốt hồng ban nhỏ trên chân.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hiện là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, phụ huynh cần hết sức thận trọng. Bởi, dù trẻ có một nốt ban hồng đỏ cũng có thể mắc tay chân miệng và tiến triển nhanh sang độ nặng nhất.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi mắc tay chân miệng có thể lui bệnh, hồi phục hoàn toàn sau 8 - 10 ngày. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể gặp biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn… dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo đó, bệnh nhi sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, thường được điều trị ngoại trú.

Điều quan trọng là phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ. Cần cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ như hạ sốt, giảm đau, đa sinh tố. Hạ sốt dưới 38 độ C bằng Paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần (uống). Có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ khi sốt lại.

Ngoài ra, cần cho trẻ chế độ dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Trẻ nên ăn đồ dễ tiêu, tránh món chua, cay… Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ thường bị đau niêm mạc nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel, varogel hoặc trimafort… Trẻ có thể ngậm 1 - 2ml/lần để làm dịu cơn đau.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh răng miệng cho trẻ cũng là điều vô cùng cần thiết. Đồng thời, cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà. Tái khám mỗi 1 - 2 ngày trong 8 - 10 ngày đầu của bệnh. Trẻ sốt phải khám từng ngày đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay, nếu con có các biểu hiện: Sốt cao; Thở bất thường; Quấy khóc liên tục; Khó ngủ, ngủ li bì, ngủ gà; Giật mình, hoảng hốt, chới với; Ngồi không vững, đi loạng choạng; Run tay, chân hoặc co giật...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ