Hôm nay 8/3, Hà Nội, Hải Dương, TPHCM tiêm những mũi vaccine COVID-19 đầu tiên

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 hôm 6/3, Việt Nam sẽ tiêm những mũi vaccine đầu tiên tại Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM vào hôm nay 8/3.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, những mũi vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ tiêm cho những đối tượng được ưu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, một số cơ sở y tế khác, đặc biệt là tại tỉnh Hải Dương, từ ngày 8/3.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vaccine COVID-19 là một trong những nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Đây là một trong những vaccine phát triển, ra đời nhanh nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, do thời gian chưa đủ dài để theo dõi thử nghiệm lâm sàng, cũng như đánh giá hiệu quả của vaccine nên mức độ bảo vệ có thể khác nhau ở một số vaccine. Vaccine COVID-19 này cũng là vaccine mới nên không thể tránh khỏi những phản ứng sau tiêm. Vì vậy, “chúng ta phải triển khai thận trọng”. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc tiêm vaccine COVID-19 phải đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm. Theo đó, người tiêm phải được khám sàng lọc trước khi tiêm, các thông tin liên quan của người tiêm và vaccine sử dụng sẽ được quản lý trên hồ sơ sức khoẻ điện tử của mỗi người dân. 

Bộ trưởng chia sẻ, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Vaccine AstraZeneca dù về Việt Nam từ ngày 24/2, cơ quan chức năng trong nước đã kiểm định nhanh chóng nhưng Bộ Y tế vẫn thận trọng chờ giấy chứng nhận xuất xưởng chất lượng của vaccine từ phía Hàn Quốc. Sau khi đủ các thủ tục mới tiến hành tiêm vaccine AstraZeneca từ ngày 8/3.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, vaccine đợt này dù không đạt bảo vệ hiệu quả 100% nhưng những người được tiêm nếu mắc bệnh sẽ nhẹ hơn nhiều, không tử vong.

"Chúng tôi rất cẩn trọng khi triển khai tiêm chủng, do vaccine này rất mới vì thế chúng tôi đã phải đợi Hàn Quốc gửi giấy chứng nhận xuất xưởng, Việt Nam cũng đã tiến hành kiểm định chất lượng lại và đánh giá mức độ an toàn của vaccine" - ông Long khẳng định.

Song song với việc mua vaccine ngừa COVID-19 từ nước ngoài, chúng ta phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vaccine trong nước. Đây là chiến lược lâu dài... Cùng với đó, người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp “Vaccine + 5K”.

Lần này, số lượng vaccine về hạn chế nên sẽ tập trung cho những đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Đó là những người trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, những người làm công tác xét nghiệm…

Trong lần này không thể phân bố đều cho 63 tỉnh, thành phố mà ưu tiên cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương.

Hải Dương là địa phương tiêm chủng đầu tiên cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Trong năm 2021, Việt Nam cố gắng sẽ tiêm đủ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại Hội nghị, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine AstraZeneca đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng, trong đó có Việt Nam. Vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất.

Lô vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ. Tiêm vaccine AstraZeneca gồm 2 mũi cách nhau 12 tuần. Vaccine này được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Cũng theo TS Dương Thị Hồng, có một số phản ứng có thể xảy ra sau tiêm như đau đầu, đau cơ, buồn nôn, đau khớp, sốt...

Phản ứng sốc phản vệ có thể xảy ra sau tiêm vaccine nhưng hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có đầy đủ dữ liệu. Cũng chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vaccine.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ