Hiến tạng cứu người : Nối dài sự sống

GD&TĐ - “Trong gia đình, anh là người con hiếu thuận, người chồng hết lòng thương yêu vợ con. Bởi vậy, việc hiến tặng mô/ tạng của anh cũng là thuận theo lối sống nhân ái như chính con người anh ấy” - đó là tâm sự của chị Nhữ Mai Trang, vợ kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Hải, người sau khi mất đã được hiến tạng cứu giúp cho 4 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.  

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc TT ĐPGTQG thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho đại diện gia đình
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc TT ĐPGTQG thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho đại diện gia đình

Nỗi đau chưa thể nguôi

Trong chuyến công tác tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang), anh Nguyễn Xuân Hải, một kỹ sư 37 tuổi ở Hà Nội không may gặp tai nạn. Ngay sau đó, anh Hải được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Phú Quốc. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe có dấu hiệu xấu đi, anh rơi dần vào hôn mê. Người kỹ sư ấy được gia đình tiếp tục chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để điều trị. Mặc dù các bác sỹ tại đây đã tận tình cứu chữa, nhưng anh Hải vẫn không có dấu hiệu hồi phục và rơi vào tình trạng chết não.

Ngậm ngùi khi kể lại câu chuyện với chúng tôi, chị Nhữ Mai Trang, vợ người kỹ sư tâm sự: Ngay khi biết tin xấu xảy ra với chồng, em đã có mặt ở bên anh ấy và luôn cầu mong những điều tốt lành sẽ đến với chồng em. Nhưng dường như điều đó là không thể…

Trang và Hải đến với nhau qua một người bạn. Một năm yêu nhau và sống cùng nhau được 4 năm, là quãng thời gian thật hạnh phúc của vợ chồng cô. Sinh ra trong một gia đình khá nền nếp, có bố công tác trong ngành xây dựng, nên anh Hải chọn nghề kỹ sư cho sự nghiệp của mình. Là con trai thứ 3 trong gia đình, anh Hải và hai người anh đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc nhưng cũng đầy tình yêu thương của cha mẹ.

“Trong cuộc sống, anh Hải là người chỉn chu, hết lòng chăm lo cho gia đình. Từ khi em mang bầu tới khi sinh con, trừ những lúc đi công tác, còn khi ở nhà anh ấy luôn là người chồng có trách nhiệm, thương yêu vợ con hết mực. Nên khi xảy ra chuyện, mẹ con em và cả gia đình thực sự rất sốc, điều này khó có thể nguôi ngoai. Mỗi lần nghĩ đến anh ấy, em lại nhủ lòng mình phải cố gắng từng ngày để nuôi dạy con thật tốt” - Trang chia sẻ.

Khi được hỏi về việc hiến tạng của người thân cho những người chưa hề quen biết, chị Mai Trang tâm sự: Biết anh Hải sẽ không qua khỏi, anh Nguyễn Xuân Hiếu (anh ruột của Hải) đã đưa ra ý tưởng sẽ hiến tặng mô/ tạng của anh Hải cho những người bệnh nặng với em và gia đình. Với bản thân mình, em cũng đã được biết những câu chuyện tương tự như vậy trong cuộc sống. Trước hoàn cảnh thực tế của anh ấy, em cũng nghĩ tới việc hiến tặng cơ thể của chồng mình giúp cho những người bệnh nặng. Nên khi anh trai của chồng chia sẻ điều này, em đã ủng hộ.

Những ngày tháng hạnh phúc của kỹ sư Hải

Những ngày tháng hạnh phúc của kỹ sư Hải

Nghĩa cử cao đẹp

Sau khi gia đình và người thân của Nguyễn Xuân Hải cùng chung ý tưởng sẽ hiến tạng cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, họ đã thông báo với các bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. Nhận được thông tin, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã kết nối với Bệnh viện Chợ Rẫy để tiến hành phẫu thuật. Ngay sau đó một kíp bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy về Kiên Giang để tiếp nhận mô/ tạng của anh Hải. Hai thận và hai giác mạc của anh Hải đã được tiếp nhận và đưa về ghép ngay cho 4 người bệnh đang chờ đợi.

Những người thân của anh Hải đều cho rằng, đây là việc làm hết sức bình thường. “Trước kia, anh ấy luôn là người sống nhân hậu, vui vẻ với mọi người, cho nên việc hiến tặng những phần trên cơ thể của anh để mang lại sức khỏe, sự sống cho mọi người chắc sẽ được anh ấy đồng ý”. Vợ người kỹ sư trẻ trùng lòng xuống khi nói về điều này.

Những gì được giữ lại từ cơ thể người kỹ sư sẽ tiếp tục được hồi sinh trong những cơ thể đang hiện hữu. Điều này không chỉ là niềm hy vọng, niềm hạnh phúc của những người được nhận mô/tạng còn là đức tin của mỗi chúng ta về tình yêu, lòng nhân ái trên cuộc đời này. Người kỹ sư trẻ dù không còn nữa nhưng anh vẫn hiện diện trong cơ thể của những người được nhận mô/tạng và mang tới những điều kỳ diệu của hạnh phúc. Đó là nối dài sự sống, nối dài thêm những ước mơ cho người được nhận và cũng chính là nối dài những nghĩa cử cao đẹp.

Ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp trên, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã kết hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục gửi tới Bộ Y tế đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho anh Nguyễn Xuân Hải. Trong lễ tang vừa diễn ra của anh Nguyễn Xuân Hải, ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương cao quý này tới gia đình.

Tại Việt Nam hiện hơn 10.000 người suy tạng cần ghép, khoảng 300.000 người bị bệnh lý giác mạc mà không có giác mạc thay thế. Do đó, việc những bệnh nhân chết não, tim ngừng đập, hiến tặng mô, tạng là nghĩa cử cao đẹp và cần được nhân rộng. Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam để đáp ứng nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời là Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) và Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ