Đại dịch Covid-19 còn kéo dài bao lâu?

GD&TĐ - Việc phát triển vắc-xin thành công và triển khai tiêm chủng đại trà ở nhiều quốc gia có dẫn đến một thế giới không còn Covid-19? Đại dịch này liệu sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?

Đại dịch Covid-19 còn kéo dài bao lâu?

14 vắc-xin đã được cấp phép

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), miễn dịch cộng đồng là tình trạng trong đó một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm thông qua tiêm chủng và/hoặc đã mắc bệnh này trước đó.

Nhờ vậy, có thể phòng tránh bệnh lây nhiễm từ người sang người. Những đối tượng chưa hoặc không được tiêm phòng như trẻ sơ sinh, người mắc bệnh mãn tính cũng sẽ được bảo vệ vì khi đó bệnh này ít có cơ hội để lây truyền trong cộng đồng.

Điều này có nghĩa là khi tiêm vắc-xin, không chỉ cho bản thân mà còn bảo vệ những người xung quanh. Hiện tại các nhà khoa học nhận định, ý tưởng đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng khó sớm xảy ra.

Đến nay, đã có 14 loại vắc-xin được ít nhất một quốc gia cấp phép sử dụng. Theo WHO, tính đến ngày 11/4/2021, gần 730 triệu liều vắc-xin đã được tiêm chủng ở gần 160 quốc gia.

Hơn 400 triệu người được tiêm ít nhất một liều. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại sau khi đã từng giảm đáng kể vào tháng 2. Phải chăng việc tiêm chủng vắc-xin chưa đem lại hiệu quả thực sự trong việc đẩy lùi đại dịch?

Nhiều biến chủng mới xuất hiện

Một trong những nguyên nhân khiến ca nhiễm tăng bất chấp nỗ lực tiêm chủng vắc-xin chính là liên tục xuất hiện nhiều chủng đột biến mới nguy hiểm hơn. Có thể kể đến chủng B.1.1.7 được ghi nhận lần đầu tiên tại Anh vào tháng 9/2020.

Sau đó, nó lan sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khả năng lây nhiễm của nó cao hơn 30% - 50% so với chủng ban đầu. Bên cạnh đó, chủng B.1.351 (Nam Phi) và P1 (Brazil) cũng là những biến thể lưu hành phổ biến hiện nay.

Tại sao SARS-CoV-2 có thể tạo ra nhiều biến thể nhanh như vậy? Là một virus RNA, SARS-CoV-2 được đánh giá có tần suất đột biến ở mức vừa, thay đổi khoảng 1,12 × 10-3 nucleotide/vị trí/năm, tương tự như SARS-CoV-1.

Tuy nhiên, khả năng dễ lây truyền của nó đã khiến số người bị nhiễm cao kỷ lục (hơn 136 triệu người). Đây là điều kiện thuận lợi để virus sản sinh với tốc độ kinh hoàng, và tạo ra nhiều bản sao lỗi hơn trong thời gian ngắn hơn.

Hầu hết các đột biến không làm thay đổi chức năng của virus hoặc không thể tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, “thỉnh thoảng” có một số thay đổi khiến virus có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc lẩn trốn hệ thống miễn dịch tốt hơn.

Và khi sự thay đổi đó bắt đầu lan rộng trong cộng đồng thì một biến thể mới xuất hiện. Điều này có nghĩa là nếu số ca nhiễm giảm xuống, thì nhiều khả năng các biến thể mới sẽ xuất hiện ít thường xuyên hơn.

So với virus cúm có cấu trúc di truyền phức tạp, SARS-CoV-2 vẫn là loại virus đơn giản hơn nhiều. Các biến chủng đáng chú ý hiện nay chủ yếu liên quan đến đột biến ở protein spike (S), một loại protein nằm trên bề mặt virus, đóng vai trò quan trọng trong việc bám gắn với thụ thể ACE2 (angiotensin-converting enzyme 2) của các tế bào người và qua đó tạo điều kiện cho virus xâm nhiễm.

Do đó, protein S chính là chìa khóa cho sự lây truyền của Covid-19. Tuy nhiên, nếu protein S chỉ thay đổi một chút, nó có thể gắn với các tế bào người hiệu quả hơn (virus dễ lây truyền hơn) hoặc khiến hệ thống miễn dịch khó phát hiện hơn (con người dễ bị nhiễm virus hơn).

Nhưng nếu nó thay đổi quá nhiều, virus sẽ không thể xâm nhập vào tế bào được nữa, trong khi đây chính là công tắc cho vòng đời của nó.

Những biến thể này làm dấy lên nhiều lo ngại về tính hiệu quả của các loại vắc-xin đã được cấp phép. Chẳng hạn, chủng B.1.351 và P1 khiến nhiều vắc-xin hoạt động kém hiệu quả.

Cụ thể, khả năng trung hòa của các kháng thể được cảm ứng từ vắc-xin BNT162b2, mRNA-1273 và BBIBP-CorV (Trung Quốc) giảm từ 4,5 đến 8,6 lần. Nghiên cứu trên một nhóm nhỏ gồm 2026 người cũng phát hiện vắc-xin của AstraZeneca chỉ đạt hiệu quả 10,4% đối với bệnh nhân nhiễm B.1.351. 

Khó sớm miễn dịch cộng đồng

Tỷ lệ tiêm chủng để thiết lập được miễn dịch cộng đồng của các bệnh truyền nhiễm đều khác nhau, dựa trên khả năng lan truyền của mầm bệnh và tác động của nó với sức khỏe con người.

Chẳng hạn, bệnh sởi rất dễ lây lan và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên cần khoảng 93% - 95% người trong cộng đồng được tiêm phòng để duy trì khả năng miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, bệnh bại liệt chỉ cần khoảng 80% - 85%.

Đối với Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định ngưỡng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi khoảng 70% - 85% dân số được tiêm đầy đủ hai liều vắc-xin phòng ngừa bệnh này.

Tuy vậy, khi thế giới bước sang năm Covid-19 thứ hai, nhiều người đã nhận ra ý tưởng này khó có thể sớm thành hiện thực do những thách thức và tình hình phức tạp của đại dịch. Nguyên nhân khiến miễn dịch cộng đồng khó có thể sớm đạt được là việc triển khai tiêm chủng vắc-xin chưa đồng đều.

Chưa có nhiều bằng chứng về khả năng của vắc-xin trong ngăn ngừa lây truyền virus. Các biến thể mới làm thay đổi miễn dịch cộng đồng. Khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 không tồn tại mãi mãi.

Miễn dịch cộng đồng được đánh giá dựa trên hai nguồn miễn dịch do vắc-xin và do lây nhiễm tự nhiên. Đối với những người đã bị nhiễm SARS-CoV-2, cơ thể đã tạo ra một số kháng thể kháng virus nhưng các nghiên cứu kết luận mức kháng thể này chỉ có thể duy trì hiệu quả trong khoảng sáu tháng.

Trong khi đó, vắc-xin còn quá mới để đánh giá khả năng miễn dịch của nó thực sự kéo dài bao lâu. Liệu có cần các liều bổ sung theo thời gian và theo sự thay đổi của biến chủng mới hay không? Vì cả hai lý do này, Covid-19 có thể giống như một loại bệnh cúm.

Bên cạnh tiêm vắc-xin, các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người vẫn được nhiều quốc gia tiếp tục duy trì nhằm giảm thiểu số ca bệnh. Nếu không, ngay cả khi đã vượt qua ngưỡng miễn dịch cộng đồng vẫn có nguy cơ bùng phát các ổ dịch riêng lẻ.

Theo chuyên gia nhận định, với tốc độ tiêm chủng 6,7 triệu liều vắc-xin một ngày, cả thế giới cần khoảng bốn năm rưỡi nữa mới có thể đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, một số quốc gia đơn lẻ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ngay trong năm nay như Israel, UAE, Anh, và Mỹ.

Song song đó, các cơ quan quản lý và công ty dược phẩm cũng đã bắt tay vào nghiên cứu phiên bản cập nhật vắc-xin nhằm gia tăng hiệu quả phòng ngừa với các biến chủng mới và có thể ra mắt trong vài tháng tới.

Trong khi miễn dịch cộng đồng chưa hình thành, các biến chủng mới liên tục xuất hiện và hiệu quả vắc-xin chưa thật sự tối ưu, điều quan trọng là phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp bảo vệ, ngay cả đối với người đã được tiêm chủng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...